Thật xúc động khi nhìn thấy GS-TS-NSND Nguyễn Đình Quang, 84 tuổi, đến từ sớm và lên phát biểu rất tâm huyết. Ông vẫn đang lãnh đạo một trung tâm thuộc Hội NSSKVN. Có những gia đình mấy thế hệ cùng cống hiến cho nền sân khấu nước nhà như đại gia đình kịch sĩ - thi sĩ Lê Đại Thanh (1907-1996) nay vẫn còn con, cháu, rể: NSND Trần Tiến - Lê Mai - Lê Chức - Lê Khanh cũng có mặt đông đủ. Nhiều nghệ sĩ của các loại hình nghệ thuật, các nhà hát của Hà Nội và quốc gia sum họp trong ngày hội của ngành.
Nhìn vào tình trạng sân khấu giảm khán giả, người trong cuộc và giới trí thức thường kiến giải là do chất lượng vở diễn không thỏa mãn đòi hỏi của người xem.
Đâu riêng sân khấu, điện ảnh, văn học và hầu hết các loại hình nghệ thuật đều đang rơi vào “bão hòa”. Sự phát triển vũ bão của truyền hình tràn khắp hang cùng ngõ hẻm khiến đa số người dân cảm thấy “có tivi là đủ”. Một lực lượng đông đảo nghệ sĩ sân khấu sống bằng tiền thù lao đi đóng phim truyền hình và được quen mặt bởi thường xuất hiện trên màn ảnh nhỏ. Trong khi đó, sân khấu thường được ví như thánh đường, nơi nghệ sĩ biểu diễn thể hiện tài nghệ và đam mê bằng mỗi đêm diễn, mà ánh đèn sân khấu là hấp lực để đam mê, hiến thân. Những cụm từ “hết mình”, “xả thân” đã được rất nhiều nghệ sĩ nói. Thực tế, ai công tâm đều thấy tình yêu nghề của các nghệ sĩ hôm nay không được như xưa.
Trở lại thập niên 1980-1990 của thế kỷ trước. Ngày ấy, đời sống khó khăn nhưng người ta say mê nghệ thuật, ham xem, yêu mến nghệ sĩ chân thành làm sao! Nghệ sĩ ngày ấy không lạm dụng mỹ từ “siêu sao”, “ngôi sao”, không có cát-sê ngất ngưởng và nhiều đòi hỏi như các ngôi sao ca nhạc đang chiếm lĩnh các sân khấu ngày nay. Những vai diễn, vở diễn ngày ấy lại được nhớ rất lâu, những nhân vật - tác phẩm để đời.
Phát triển là hướng về phía trước nhưng nhìn vào thực trạng sân khấu Việt Nam hôm nay, nhiều nghệ sĩ tên tuổi lại ước: “Giá được trở lại ngày xưa!”. Được như thời ấy, vô tư, đam mê lao động, ngóng chờ trời tối để lên sân khấu. Công chúng cũng chỉ mong sau một ngày làm việc vất vả, dành những đồng lương chẳng nhiều nhặn để mua vé, thậm chí chấp nhận mua vé “phe” để vào rạp.
NSND Doãn Hoàng Giang lý giải cho tình trạng sân khấu hiện nay: “Nếu ai nói sân khấu Việt Nam đương đại hiếm vở hay là chưa xác đáng. Có nhiều vở hay và hấp dẫn hơn xưa. Tại sao khán giả không được như xưa? Vì nhiều lý do. Thời trước, dân ta nghèo hơn nhưng vì ít cơ hội được làm kinh tế nên thời gian cũng dư dả hơn. Người ta cũng chẳng có nhiều niềm vui ngoài việc đến rạp hay tới nhà hát. Bây giờ, mỗi nhà vài cái tivi, sân khấu hay điện ảnh chủ yếu hút khán giả ở đô thị hoặc tỉnh lỵ - mà đấy lại là nơi phát triển kinh tế - xã hội, hiển hiện nhiều loại hình cạnh tranh, cám dỗ và những va chạm đời sống phức tạp hơn - mọi yếu tố này đều ảnh hưởng tới tâm lý con người. Phải thẳng thắn rằng khán giả bây giờ khó tính hơn, trình độ cao hơn và những nghệ sĩ cũng vậy, tất cả đều tiến lên đồng bộ. Ngặt nỗi, do có nhiều quyền lựa chọn, lại thêm các nhà hát chưa phát triển xứng đáng với đòi hỏi của thời hiện đại nên nghệ thuật chính thống chững lại, nhiều em trẻ chỉ thấy có ca nhạc là đủ. Mọi phấn khích ngày xưa, giờ như dồn vào giới trẻ, để họ dành cho các ngôi sao ca nhạc”.
Bình luận (0)