Nhiều ngày qua, cơ quan chức năng ở tỉnh Thanh Hóa đã thu giữ hàng chục tấn măng khô và nhiều măng tươi được xông, tẩm ướp lưu huỳnh trước khi đem ra thị trường. Hàm lượng lưu huỳnh có trong các sản phẩm măng thu được vượt gấp hàng trăm lần khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
Để cả năm không hư
Nhìn măng có màu vàng tươi, đẹp mắt, chúng tôi hỏi liệu chúng có tẩm ướp hóa chất, như lưu huỳnh không, một chị bán hàng khẳng định: “Không sấy khô, chống ẩm mốc bằng lưu huỳnh thì không thể thành măng như thế này được. Có làm cách nào cũng vậy thôi”. Một số người bán hàng khác cho biết nếu mua măng về bỏ mối hoặc bán lại thì chỉ việc gói trong bao bọc kín là yên tâm để cả năm không hư.
Ở chợ hóa chất Kim Biên (quận 5), một người bán hàng cho hay với măng thì loại hóa chất hàng đầu là lưu huỳnh, dùng để sấy, xông măng khô hoặc tẩm cho măng tươi lên màu đẹp, bắt mắt. Giá bán lưu huỳnh chỉ 50.000 đồng/kg. Nghe chúng tôi bảo sợ lưu huỳnh độc hại, người bán hàng liền nói: “Vậy xài loại được cho phép lưu hành đi. Loại này được dùng trong thực phẩm nhưng giá mắc hơn, 110.000 đồng/kg, thích thì mua”. Khi chúng tôi hỏi về thành phần, nguồn gốc xuất xứ của loại lưu huỳnh được phép lưu hành này thì người bán hàng ậm ừ…
Sau hàng loạt vụ măng khô, măng tươi tẩm ướp, sấy lưu huỳnh bị thu giữ ở Thanh Hóa, nhiều người lo ngại những sản phẩm này cũng được tuồn vào TPHCM tiêu thụ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng của TPHCM hiện chưa có kế hoạch kiểm tra mặt hàng này. Theo lãnh đạo Chi cục QLTT TPHCM, cơ quan này chỉ kiểm tra thị trường khi có vụ việc cụ thể, còn trong hoạt động quản lý thường xuyên thì chỉ phát hiện xử lý đối với sản phẩm măng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Dùng cả phẩm màu công nghiệp
Chị Hồng, chủ một cơ sở sơ chế măng le ở xã Đắk Yă, huyện Mang Yang - Gia Lai, là người thường xuyên cung cấp măng đi một số tỉnh, thành. Chị tiết lộ loại măng này dù luộc hay sấy khô buộc phải có hóa chất mới bảo quản được lâu. Đối với măng khô, sau khi luộc thật chín thì mang đi ép rồi cho vào lò sấy. “Măng le mọc trong rừng tự nhiên nên không nhiễm thuốc trừ sâu nhưng một số cơ sở làm ăn chụp giựt, làm nhanh để bán được hàng nhiều thường cho thêm hóa chất bảo quản là lưu huỳnh trong quá trình chế biến” - chị Hồng cho biết.
Không chỉ măng khô, măng tươi cũng được một số cơ sở sản xuất dùng phẩm màu công nghiệp trong quá trình xử lý. Theo chị Hồng, để chế biến măng le luộc, trước hết phải luộc thật chín rồi ngâm nước lạnh một đêm thì măng sẽ chua tự nhiên nhưng thường có màu vàng nhạt hoặc hơi nâu, không “bắt mắt” người sử dụng. Vì vậy, các cơ sở sản xuất thường pha thêm phẩm màu công nghiệp rẻ tiền khi ngâm để măng có màu vàng tươi, đẹp mắt.
Có thể ngộ độc
Thạc sĩ - bác sĩ Đào Thị Yến Phi, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết lưu huỳnh là chất dùng để chống ẩm mốc, có thể dùng ở dạng xông hơi hay tẩm ướp. Nếu xông, tẩm với hàm lượng cao sẽ rất hại cho sức khỏe do lưu huỳnh khi bị ôxy hóa sẽ sinh ra chất độc có thể làm tổn thương các tế bào trong cơ thể con người; nếu ăn nhiều có thể ngộ độc như say, nôn, ói… hoặc tích lũy lâu dài trong cơ thể sẽ gây ung thư.
Tháng 10 có kết quả kiểm tra Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết các đoàn kiểm tra của cục này đang triển khai lấy mẫu măng tại các tỉnh, TP ở miền Bắc để kiểm tra. Đây là khu vực sản xuất, tiêu thụ lượng măng rất lớn. Dự kiến đến tháng 10-2012, cục sẽ có kết quả kiểm tra rồi báo cáo cho Bộ NN-PTNT. Hiện nước ta hầu như không nhập khẩu măng vì lượng măng sản xuất trong nước rất lớn, đủ tiêu dùng cho thị trường cả nước. B.Trân |
Bình luận (0)