Thật lòng nhìn cái thư mời, tôi cũng áy náy trong lòng. Nhưng thôi, tôi đã làm phó ban đại diện hội cha mẹ học sinh của trường 2 năm rồi, năm nay nhường lại cho người khác. Với lại năm nay cháu đã học lớp 12, sẽ tập trung chuyện thi cử chứ không làm phong trào nhiều, thôi thì tôi tham gia hội cha mẹ của lớp là đủ rồi.
Đọc xong, tôi thấy buồn. Tôi không biết ban đại diện cha mẹ học sinh ở trường khác làm gì, chứ còn ở trường con tôi thì vất vả vô cùng. Ngoài việc phối hợp chặt chẽ với nhà trường để kiểm tra, giám sát chuyện học hành của con, còn phải cùng nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, phong trào văn thể mỹ những dịp kỷ niệm, động viên khen thưởng các cháu khi lớp được xếp hạng cao hoặc có tiến bộ trong thi đua… Thậm chí, có chị trong ban đại diện cha mẹ học sinh, khi nhà trường tổ chức cho các cháu đi làm công tác xã hội ở các mái ấm, nhà mở chị đã chạy nhờ người quen xin xe miễn phí, xin tập vở, quần áo, đồ chơi cho trẻ; xin gạo, mì cho các cụ già… Khi các cháu đi tham quan ở xa, nhiều phụ huynh còn phải tự bỏ chi phí đi theo để cùng các thầy cô chăm sóc các cháu…
Tôi nhớ, năm con tôi học lớp 10, trường tổ chức ngày Phụ nữ 20-10 có hội thi văn nghệ, cắm hoa, nấu ăn, tôi và 2 anh chị khác trong bạn đại diện của lớp phải đưa đón các cháu đi học cắm hoa, ra chợ hoa Hồ Thị Kỷ vác từng bó hoa về cho chúng tập cắm; tiết mục văn nghệ cần mấy thứ trang phục, tôi chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm cho bằng được để các cháu có dụng cụ diễn xuất… Mấy phụ huynh khác trong lớp người góp công, người góp của để làm cho các cháu nào chả giò, giỏi cuốn, cá viên chiên, nước sâm… để các cháu bán trong ngày hội. Toàn bộ chi phí cho những việc đó, chúng tôi tự bỏ tiền ra lo thêm cho các cháu chứ không hề lấy một đồng nào từ quỹ của phụ huynh đóng góp.
Năm cháu nhà tôi học lớp 11, nhà trường tổ chức hội diễn văn nghệ mừng ngày nhà giáo. Có người quen giới thiệu một thầy giáo dạy múa ở trung tâm văn hóa quận. Thầy nhận dàn dựng chương trình, tập luyện cho các cháu một số tiết mục múa, hợp ca khá hoành tráng. Nghe vậy các cháu rất háo hức, cả lớp đều đăng ký tham gia. Thế nhưng sau đó, thầy cho biết, giá trọn gói của chương trình là 3 triệu đồng. Cô giáo chủ nhiệm buồn hiu gọi điện cho tôi: “Nhiều tiền quá chị ơi, chắc là em hồi người ta. Chỉ tội nghiệp các cháu, tụi nó háo hức quá”. Tôi cũng đồng tình: “Ừ, chắc phải vậy thôi chứ mình đâu có tiền mà chi nhiều như vậy”.
Khi biết là lớp không có tiền để trả, thầy quyết định không lấy tiền công nhưng chi phí may hoặc thuê y phục thì lớp phải lo. Tôi gọi cho 2 vị còn lại trong chi hội, cuối cùng cả 3 thống nhất: “Tụi mình bỏ tiền ra lo cho các cháu đi. Thôi kệ, miễn là cả lớp tụi nó có dịp tham gia các hoạt động vui vẻ, bổ ích…”. Lần đó các tiết mục của các cháu đều giật giải, đến ngày Học sinh Sinh viên 9-1 còn được đại diện trường đi dự hội diễn của khu vực… Không chỉ thầy trò các cháu vui mà tất cả chúng tôi đều vui. Các vị phụ huynh khác của lớp khi biết tin đã cằn nhằn: “Sao không cho tụi tui hay để phụ với các anh chị một tay?”.
Vậy thì mọi người sẽ hỏi: Hội phụ huynh của lớp có thu tiền không? Xin trả lời là có. Mỗi học kỳ 200.000 đồng. Chắc có người sẽ hỏi thu 200.000 đồng là quá nhiều, chi vào các khoản nào? Tôi xin kể rành mạch để mọi người hiểu rõ. Lớp các cháu có 30 học sinh, nhưng cũng có người vì lý do này khác không đóng góp, cũng có người khá giả nên đóng nhiều hơn, bù qua sớt lại cũng được khoảng 6 triệu đồng mỗi học kỳ. Các lớp còn lại của trường thì không bao giờ thu đủ con số đó bởi tất cả là trên tinh thần tự nguyện.
Số tiền này là quỹ chung của ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường, chúng tôi dành chi cho quà tặng giáo viên, công nhân viên của trường nhân ngày nhà giáo và tết nguyên đán; mua phần thưởng cho các cháu có thành tích học tập tốt mỗi tháng, mỗi quý, học kỳ... Có người sẽ thắc mắc: lễ tết nhà giáo có chế độ, mắc gì phụ huynh phải lo? Đành rằng là vậy, nhưng có những thói quen, tập tục mà muốn bỏ không phải một sớm, một chiều. Chúng tôi cho rằng, việc chăm lo cho các thầy cô, cán bộ nhân viên của trường là việc nên làm. Thứ nhất là để từng cháu khỏi phải lo quà cáp biếu xén thầy cô đứa ít đứa nhiều, đứa có đứa không; thứ hai đó là sự cảm ơn, là một chút lòng thành gởi đến thầy cô chứ hoàn toàn không có ý nghĩa vật chất bởi vài trăm ngàn thì giá trị chẳng là bao!
Điều tôi muốn nói và đó là sự thật: Cứ cuối học kỳ hoặc cuối năm học, khi tính toán các khoản đã và phải chi, bao giờ quỹ hội cha mẹ cũng hụt! Khi ấy, trong ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, người khá thì 1 triệu, ít thì 500 ngàn gom lại bù cho đủ số tiền còn thiếu để chăm lo cho thầy cô và con em của mình.
2 năm làm trong ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, có thể nói tôi vừa tốn công, vừa tốn của nhưng đổi lại, chúng tôi thật sự cùng nhà trường chăm lo cho con em mình. Thế nhưng đến năm này thì tôi thật sự cảm thấy “oải”.
Trưa nay, khi tôi thú thật với con gái là tôi không tham gia ban đại diện cha mẹ học sinh của trường nữa, cháu có vẻ nghĩ ngợi, sau đó thì gật gù: “Dạ, vậy cũng được. Không làm thì má sẽ khỏi phải lo, khỏi phải tốn tiền”. Tôi cười: “Má đâu có tốn tiền? Má giàu lên thì có. Con coi, từ hồi con học tiểu học tới giờ, có khi nào má đi đón con mà tất cả bạn bè trong trường khi trông thấy má đều cười thật tươi và chào má thật to như vầy đâu?”.
Bình luận (0)