xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thắc thỏm trước mùa bão lũ

Bài và ảnh: TỬ TRỰC

Mùa mưa bão đã cận kề nhưng hàng ngàn người dân sống bên các vùng sạt lở ven biển, ven núi ở nhiều tỉnh, thành vẫn chưa biết về đâu, trong khi các dự án chống sạt lở, di dời dân khỏi vùng nguy hiểm vẫn còn nằm… trên giấy

Đến xóm Lân, xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh - Quảng Ngãi những ngày gần đây, dễ thấy cảnh người dân đang tất bật chuẩn bị chạy lũ. Chiếc cầu tre bắc qua một khúc sông là con đường duy nhất nối vào xóm Lân bây giờ cũng được tháo dỡ để khỏi bị nước cuốn trôi.

Lo bị nước cuốn, núi đè

Anh Cao Hoài Đức, một người dân ở xóm Lân, nói năm nào cũng vậy, sắp đến mùa mưa bão, 26 hộ dân ở xóm Lân phải dọn nhà sang bờ bên kia trốn lũ.  “Trong những mùa mưa lũ trước, người dân ở đây chủ quan không dọn nhà đi nơi khác, bị nước dâng cao, cuốn trôi rất nhiều tài sản. Chắc năm nay, nước lại cao nữa, không biết nhà cửa có giữ được không” - anh Đức lo lắng.

Tình cảnh chạy lũ của người dân xóm Lân đã có từ gần chục năm qua. Năm 2003, tỉnh Quảng Ngãi đã di dời 139 hộ ở xóm Lân đến nơi tái định cư mới. Thế nhưng, 26 hộ còn lại không được di dời, ngày đêm sống trong lo âu. Theo UBND xã Tịnh Long, sở dĩ người dân nơi đây chưa được di dời vì quỹ đất tái định cư không còn (!?).

img
Trong 3 năm qua, bờ biển thôn An Cường, xã Bình Hải,
huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi liên tục sạt lở khiến người dân nơi đây khốn đốn
Tương tự, hàng trăm hộ dân sống quanh bãi biển thôn An Cường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn cũng phải sống trong cảnh phập phồng lo bị nước cuốn trôi. Theo người dân địa phương, trong khoảng 3 năm trở lại đây, bãi biển thôn An Cường liên tục bị sóng biển đánh sạt. Đến nay, khu vực này vẫn còn nhiều vực sâu hoắm chạy dài đến gần chục cây số.
 
Phía dưới sóng biển liên tục vỗ vào, phía trên là những mô đất, ngôi nhà trước nguy cơ bị sạt xuống biển. Ông Nguyễn Hữu Công, Chủ tịch UBND xã Bình Hải, cho biết trong những năm qua, nước triều đã ăn sâu vào đất liền thôn An Cường khoảng 10 m, kéo dài khoảng 7 km. “Hơn 500 hộ dân trong thôn đang ngày đêm lo sợ bị sóng biển cuốn trôi. Họ yêu cầu xây bờ kè chắn sóng nhưng 3-4 năm qua, hết đoàn này đến đoàn khác về địa phương khảo sát nhưng mà chẳng thấy bờ đê đâu” - ông Công nói.
 
Không chỉ người dân vùng sạt lở ven biển, ven sông, chúng tôi tìm đến những điểm nóng về những điểm sạt lở núi ở huyện Tây Trà. Tại các dãy núi nứt ở thôn Trà Ong, xã Trà Quân người dân ở đây đang sống trong cảnh sợ núi đè. Rất nhiều hộ, mỗi lần có mưa lớn, phải dọn đến nơi khác trú ngụ vì sợ núi lở.
 
Cách khu vực của hàng trăm hộ dân đang sống khoảng 200 m là những quả đồi cao đã bị nứt toác hơn nửa mét, nước theo các khe nứt xối xả trút xuống. Ông Hồ Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Trà Quân, cho biết xung quanh khu vực núi bị nứt này có khoảng 50 hộ và hơn 200 nhân khẩu sinh sống. Hộ gần nhất cách núi chỉ 50 m. Nếu núi sạt, người dân không thể thoát kịp.

Mới có 4/9 điểm tái định cư được xây dựng

Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có 4.800 hộ dân với 21.800 nhân khẩu đang sống trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong đó, vùng bị sạt lở ven sông, suối là 2.050 hộ, ven biển 520 hộ, ven núi sạt lở 1.100 hộ, còn lại là các hộ dân sống ở vùng lũ, ngập lụt sâu cần di dời.

Riêng năm 2012, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng 9 điểm tái định cư cho người dân vùng sạt lở. Trong đó, 4 điểm tái định cư cho các vùng núi có nguy cơ sạt lở và 5 điểm tái định cư ven sông, ven biển. Thế nhưng, sau đó chỉ có 4 điểm tái định cư ven núi được xây dựng với kinh phí khoảng 30 tỉ đồng, còn 5 điểm ven sông, ven biển đến nay vẫn còn… trên giấy. Trong 4 điểm tái định cư ven núi theo kế hoạch thì hoàn thành trong quý III/2012 nhưng đến nay vẫn chưa xong.

Chờ tìm phương án khác

Ông Nguyễn Thanh Lạc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, đê điều, phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi, cho biết hầu hết các công trình chống sạt lở không triển khai là do khó khăn về nguồn vốn đầu tư, quỹ đất phục vụ tái định cư cho người dân đến khu vực an toàn cũng không còn nên không thể triển khai. Hiện nay, để bảo đảm an toàn cho người dân, tỉnh đã tiến hành phân loại vùng sạt lở để có phương án khác phù hợp hơn.

Kỳ tới: Ì ạch dự án chống lũ, triều cường

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo