Sáng 30-9, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Bắc Trà My, do đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, chủ trì. Đây là buổi tiếp xúc đặc biệt với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương để nghe ý kiến cử tri xoay quanh vấn đề an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2 và tình trạng động đất diễn ra liên tục trong thời gian qua.
Không cho tích nước, vẫn lo
Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, cho rằng dù không cho thủy điện Sông Tranh 2 tích nước trong mùa mưa năm nay nhưng do hồ không có cửa xả đáy nên mực nước trong mùa mưa lũ sẽ đạt trên cao trình 161 m, tương đương gần 500 triệu m3 nước, nên tiềm ẩn nhiều hiểm họa, khiến người dân vô cùng lo lắng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (giữa) kiểm tra đập Sông Tranh 2
Đặc biệt, chỉ trong chưa đầy một tháng nhưng đã có gần 30 trận động đất xảy ra, khiến hơn 200 ngôi nhà, hàng chục cơ sở công cộng bị nứt nghiêm trọng và có nguy cơ ngã đổ khi có động đất tương tự. Tuy nhiên, thiệt hại vô hình mới đáng nói, đó là sự hoang mang, lo lắng khiến hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện bị đình trệ; các dự án sản xuất - kinh doanh lâu dài nếu không được giải thích kỹ sẽ bị dừng lại.
Vì vậy, ông Phong kiến nghị chủ đầu tư hãy đồng hành với địa phương để giải quyết ổn định đời sống người dân; có cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư cho các khu tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 để người dân yên tâm.
Cử tri Hồ Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Trà Bui, đề xuất: “Bây giờ, một là không cho tích nước, hai là hủy thủy điện”. Các cử tri xã Trà Tân cho rằng “rò rỉ đập, nghĩa là xây cái hồ bị thấm. Công trình này có vấn đề không, phải xem lại!”.
Phải đặt sự an toàn của dân lên trên hết
Giải thích về tình hình động đất, ông Lê Huy Minh, Viện phó Viện Vật lý Địa cầu, cho rằng đơn vị không dự báo được khi nào xảy ra động đất, chỉ đưa ra những thông số dự đoán về ngưỡng động đất mà thôi. Động đất kích thích vừa qua là do việc tích nước ở thủy điện Sông Tranh 2 gây ra nhưng bao giờ cũng nhỏ hơn động đất cực đại mà viện đã nghiên cứu.
“Nếu chủ đầu tư xây dựng đập đúng như tư vấn của Viện Vật lý Địa cầu thì sẽ không có việc gì xảy ra” - ông Minh nói. Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhận trách nhiệm của chủ đầu tư về sự việc động đất làm xáo trộn cuộc sống người dân. Ông Vượng cho biết EVN sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khẩn trương xử lý, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho thủy điện.
Bộ sẽ sớm ban hành quy trình vận hành thủy điện Sông Tranh 2 khi chưa tích nước, đồng thời sớm hoàn thiện quy trình vận hành liên hồ và cùng tỉnh Quảng Nam lên phương án phòng chống lụt bão cho vùng hạ du. Riêng việc hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, EVN sẽ phối hợp với địa phương hỗ trợ kịp thời cho người dân.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với những lo lắng, tổn thất trong thời gian qua của người dân do động đất gây ra. Vì vậy, những ý kiến của nhân dân lần này sẽ giúp Chính phủ có giải pháp đúng đắn để xử lý vấn đề. “Đập thủy điện Sông Tranh 2 nếu chưa an toàn thì không cho tích nước, không phát điện. Các bộ, ngành liên quan phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ độ an toàn của đập và nhanh chóng lên phương án sơ tán dân, đề phòng sự cố xảy ra. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không để người dân chịu đói. Phải đặt sự an toàn tính mạng và tài sản người dân lên trên hết” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Theo dõi chặt
Ông Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nêu rõ: Đập Sông Tranh 2 còn một số khiếm khuyết, như chất lượng thi công các khe nhiệt chưa được bảo đảm, chưa tổ chức kiểm tra, nghiệm thu chặt chẽ trong quá trình thi công. Hơn nữa, thiết bị quan trắc chưa được lắp đặt đầy đủ, một số thiết bị hư hỏng chưa được kịp thời khắc phục. Việc này, ngoài trách nhiệm của nhà thầu thi công còn có trách nhiệm của tổ chức giám sát. Sau ngày 5-10, khi chính thức ban hành hướng dẫn xây nhà chống động đất, Bộ Xây dựng sẽ cử đoàn vào giúp người dân sửa chữa các công trình nhà bị nứt. Ngoài ra, bộ cử sẽ cử cán bộ túc trực theo dõi chặt chẽ tình hình an toàn của đập để kịp thời có giải pháp xử lý. |
Bình luận (0)