xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bi kịch nông dân hết ruộng

THU HỒNG - QUÝ HIỀN

Các dự án khu đô thị, KCN, sinh thái… tràn ra ngoại thành, hàng ngàn hộ nông dân phải rời bỏ ruộng đồng để giao đất rồi tìm nghề khác mưu sinh. Khó khăn từ đó ập đến và cuộc sống của họ ngày càng bấp bênh khi bị quy hoạch treo kéo dài

Nhắc đến quy hoạch treo, người dân 2 xã Tân Thới Nhì và Tân Hiệp, huyện Hóc Môn - TPHCM ngán tận cổ bởi quyền lợi của họ đã bị treo hơn chục năm qua vì dính vào dự án khu đô thị An Phú Hưng rộng 650 ha. Ban đầu, khi nghe tin có dự án, nhiều người mừng vì nghĩ rằng khu đô thị mới sẽ giúp thay đổi bộ mặt nông thôn, người dân sẽ có cơ hội buôn bán phát đạt. Thế nhưng, được UBND TP giao đất từ năm 2004, đến nay, chủ đầu tư dự án vẫn chưa có động tĩnh gì, làm cho cả trăm hecta ruộng lúa, hoa màu của người dân phải bỏ hoang.

Khốn khổ theo dự án treo

Lão nông Vũ Văn Dậu (ấp Nhị Tân 2, xã Tân Thới Nhì) xót xa: “Hồi đó, nhà tôi có gần chục người canh tác hơn 15 ha ruộng, một năm ít nhất cấy được 2 vụ, lúa thóc đầy bồ. Từ lúc ruộng dính quy hoạch, kênh tưới tiêu của Nhà nước cũng bị bỏ bê nên nước về ruộng chập chờn, mấy con tôi chán nên bỏ đi làm thợ. Tiếc ruộng, tôi ráng cấy được 2.000 m2 đủ gạo ăn, còn lại cho người nghèo mượn trồng lúa, vậy mà người ta cũng bỏ”. Theo quan sát của chúng tôi, dọc Quốc lộ 22 thuộc 2 xã này, ruộng bỏ hoang vì bị dính quy hoạch treo rất nhiều, cây cỏ mọc um tùm.

Ở các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh - nơi có hơn 300 hộ dính quy hoạch treo của dự án khu sinh thái văn hóa hồ Vĩnh Lộc (hơn 420 ha), người dân càng thấm thía nỗi buồn mất ruộng. Vốn là dự án “Khai hoang cải tạo đất hoang hóa trũng phèn” để xây dựng khu sinh thái văn hóa nhưng đã 17 năm nay kể từ lúc được công bố (năm 1995) và trải qua nhiều lần thay đổi chủ đầu tư, dự án hiện vẫn chưa rục rịch, trong khi hơn 400 ha đất lúa trong vùng quy hoạch bị bỏ hoang triền miên.

Chỉ tay về cánh đồng lúa đang hoang hóa, lác đác mọc lên những cây tràm cao hơn 5 m, lão nông Huỳnh Thanh Sơn (ấp 5, xã Vĩnh Lộc B) buồn bã: “Chỉ riêng ấp này đã có hơn 100 hộ dính quy hoạch treo, hơn 1 ha ruộng của tôi trước đây đều xanh lúa, một năm làm 3 vụ gồm 2 vụ lúa, 1 vụ hoa màu. Từ khi “vào quy hoạch”, ruộng bị thiếu nước ngọt rửa phèn nên tôi chán nản, bỏ luôn gần chục năm nay”.
Bà Nguyễn Thị Nệ, đang canh tác trên mảnh đất gò gần đó (ấp 1, xã Vĩnh Lộc A), cho biết thêm: “Tôi làm rẫy từ hồi 15 tuổi, cả nhà sống nhờ ruộng rẫy, vậy mà mảnh ruộng hơn 1 ha của tôi bỏ hoang mấy năm rồi. Cả chục hecta ruộng gần nhà tôi cũng phải bỏ, uổng lắm!”.
img

Cánh đồng lúa ở xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn - TPHCM phải bỏ hoang, cỏ dại mọc đầy. Ảnh: THU HỒNG

Bí kế sinh nhai

Bỏ ruộng tức là phải bỏ nghề nông đã gắn bó bao đời. Lão nông Huỳnh Văn Dối (ấp 5, xã Vĩnh Lộc B), thuộc dự án khu sinh thái văn hóa hồ Vĩnh Lộc, ngán ngẩm nói: “Dự án đến, quy hoạch treo kéo dài, đời sống người dân thêm tụt hậu, nhà cửa ọp ẹp, cuộc sống khó khăn hơn. Năm 2008, 100% hộ dân ở đây đều trồng lúa, hoa màu, ruộng có phèn nhưng nhờ chăm chỉ nên cứ 1.000 m2 ruộng thì thu hoạch được 20 giạ lúa, cuộc sống cũng ấm no. Còn bây giờ, ruộng bỏ hoang, người lớn không biết làm gì chỉ ở nhà trông cháu, con cái đi làm nơi xa, thu nhập bấp bênh lắm”.

img

Thửa ruộng hơn 1 ha của bà Nguyễn Thị Nệ bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: THU HỒNG

Tương tự, người dân thuộc các ấp 1, 2, 4 của xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn cũng mòn mỏi chờ xóa treo cho dự án KCN - khu dân cư với diện tích 380 ha, ra đời từ năm… 2001. Đã qua 2 lần thay đổi chủ đầu tư, từ Công ty CP Đầu tư Công nghiệp Tân Tạo sang Công ty CP Đầu tư Thương mại D.I.C, đến nay, dự án vẫn còn trên giấy.
Bà Nguyễn Thị Giấy (ấp 1) tiếc rẻ: “Tôi có hơn 9.500 m2 ruộng, cả nhà 10 người đều làm ruộng, quanh năm có cái ăn, không hề sợ đói. “Vào quy hoạch” 7-8 năm nay, ruộng bỏ hoang, cho người ta mượn cấy họ cũng không thèm vì cỏ nhiều quá. Con cái tôi phải đi làm hồ, làm thợ cực lắm. Thấy vậy, tôi kêu bán miếng đất nhỏ để cho các con làm vốn nhưng chẳng ai mua”.

Ám ảnh túng đói

Từ năm 2004, TPHCM có quyết định quy hoạch KCN Tân Phú Trung ở huyện Củ Chi với diện tích gần 600 ha. Những cánh đồng bạt ngàn đã phải “hy sinh” để nhường đất cho dự án, vì thế người dân cứ ngay ngáy lo không có gạo ăn.
Lão nông Đào Văn Nhiều (ấp Bến Đò 2, xã Tân Phú Trung) băn khoăn: “Nếu giao đất, giao ruộng rồi, vợ chồng tôi làm gì để sống khi cả hai đã trên 70 tuổi, con cái đều khó khăn.
Với hơn 1 ha đất ruộng và vườn, nhà tôi trồng lúa, cây ăn trái, trỉa đậu… đủ sống, chẳng bao giờ sợ đói. Thế nhưng, từ ngày có dự án, giá đền bù thấp quá thì làm sao tái định cư, chuyển đổi nghề, những ngày tháng sắp tới sẽ ra sao?”.

Nỗi lo túng đói nào phải chỉ riêng gia đình ông Nhiều mà hàng chục hộ cũng đang canh cánh như vậy. Vì thế, ông Nhiều cùng gần 20 hộ khác chưa giao đất cho dự án.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo