Đường phố ở Yangon, Myanmar
Triệu phú đá quý thiếu chỗ tiêu tiền
Dưới một bóng cây trên con đường ngổn ngang trong khu đất công nghiệp ở Myanmar, Thein Oo và gia đình đang sống qua ngày bằng nghề nhặt rác. Đằng sau lưng anh, một khu đất trống đầy phế thải có giá tới 500.000 USD/mẫu (0,4 ha), đắt gấp 10 lần đất công nghiệp ở bang Florida, Mỹ.
Sự tương phản giữa cuộc sống bần hàn của Thein Oo cùng 5 người con với giá tăng vọt của khu đất anh đang trú ngụ, phản ánh thách thức với chính phủ Myanmar khi tiến hành mở cửa nền kinh tế mà không bỏ quên đa số người dân nghèo.
Giá đất ở vùng Hlaing Thar Yar đã tăng hơn 100 lần kể từ khu công nghiệp được mở cửa năm 1995, với sự giúp sức từ hàng tỉ USD của các chủ mỏ đá quý, những người có ít lựa chọn đầu tư.
Tổng thống Thein Sein đang cố gắng khắc phục sự méo mó kinh tế do tình trạng độc tài và luật quân sự gây ra, khiến những chiếc ô tô cũ giá tới 100.000 USD, sim điện thoại giá 500 USD...
Cùng với việc các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô vào đây sau khi Mỹ và châu Âu dỡ bỏ lệnh cấm vận, giá thuê nhà và văn phòng đã tăng mạnh.
Sự méo mó về kinh tế đặc biệt rõ trong hoạt động buôn bán đá quý. Sau khi Mỹ cấm nhập khẩu ngọc bích từ Myanmar năm 2008 và siết chặt các quy định về giao dịch tài chính đối với những nhà buôn đá quý, ngành này vẫn phát triển mạnh do nhu cầu từ Trung Quốc.
Xuất khẩu ngọc bích tăng lên mức kỷ lục 1,75 tỉ USD trong thời kỳ năm 2010 và 2011, chiếm tới 1/5 tổng giá trị xuất khẩu của Myanmar.
Nguồn tiền này đã đẩy giá bất động sản ở đây tăng lên mức kỷ lục. Trong 9 ngày giao dịch của tháng 3, các thương gia đã bán tới 681 triệu USD đá quý, theo Doanh nghiệp đá quý Myanmar, một công ty thuộc sở hữu nhà nước.
Một chuyên gia nói: “Có nhiều thương gia đá quý không giỏi lắm trong việc đầu tư. Do lệnh cấm vận của Mỹ, họ không có nhiều cơ hội đầu tư, ngay cả thẻ tín dụng cũng chẳng có. Vì thế họ cứ đổ tiền vào bất động sản. Họ không nhận ra rằng họ có thể mua một căn hộ đẹp ở Thái Lan hay Singapore bởi vì họ không dám ra nước ngoài”.
Cản trở đầu tư nước ngoài
Sự nhảy vọt của giá bất động sản đã làm nhụt chí các nhà sản xuất nước ngoài muốn mang việc làm đến Myanmar. Giá đất nhà máy ở đây đắt gấp hai lần nước láng giềng Thái Lan.
Như vậy, các triệu phú đá quý đã vô tình huỷ hoại những nỗ lực để hình thành ngành công nghiệp non trẻ của Myanmar.
Cyn-Young Park, nhà kinh tế trưởng của ADB cho biết “Đây là một trở ngại đáng kể trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Các biện pháp hành chính sẽ không giải quyết được tình huống này”.
Việc kìm chế cơn sốt bất động sản sẽ gặp nhiều khó khăn. Giá một lô đất tại Hlaing Thar Yar, phía Tây Yangoon, đã tăng lên 450 triệu kyat (523 triệu USD)/mẫu, so với với giá 3,5 triệu kyat năm 1995. Trong khi đó, giá đất công nghiệp được rao bán trên Internet tại Orlando, Mỹ là 40.000 USD/mẫu.
Kể từ khi lên nhận chức, Thein Sein đã thả hàng trăm tù nhân chính trị, nới lỏng hạn chế về truyền thông và bắt đầu các cuộc đàm phán hoà bình với các lực lượng thiểu số.
Động thái này thúc đẩy Mỹ cho phép các công ty đầu tư vào Myanmar lần đầu tiên sau 15 năm và nới lỏng lệnh cấm vận.
Khách hàng kiểm tra chất lượng đá quý tại một cuộc đấu giá ở Yangon. Ảnh : Bloomberg
Tổng thống mới cũng thúc đẩy các chính sách cải thiện môi trường đầu tư, bao gồm việc thả nổi có kiểm soát đồng tiền từ tháng 4.
Ông cũng đang làm việc với quốc hội để thông qua một luật mới nhằm thu hút thêm nhiều đầu tư nước ngoài cho nền kinh tế. IMF dự tính GDP/người của Myanmar năm nay là 855 USD, so với mức 5.851 USD của Thái Lan.
Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York, ông Thein Sein cho biết :"Phát triển kinh tế không được làm tăng khoảng cách giàu nghèo. Quyền công dân được bảo vệ, môi trường tự nhiên phải được bảo tồn, người lao động được hưởng các quyền ngang với tiêu chuẩn quốc tế".
Người giàu được lợi
Những nỗ lực của Thein Sein đã khiến cho các mặt hàng nhập khẩu như ô tô, điện thoại trở nên phổ biến hơn với 64 triệu người dân của đất nước này.
Một đại lý ô tô ở Yangon cho biết, họ bị “quá tải” khách hàng sau khi chính phủ nới lỏng việc nhập khẩu ô tô. Giá một chiếc ô tô rẻ nhất hiện vào khoảng 14.000 USD, giảm mạnh từ mức 100.000 USD cách đây một năm.
Chính phủ đang kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài làm đối tác để đạt mục tiêu phát triển 40 triệu thuê bao mới vào tháng 3-2016.
Theo báo cáo của ADB, hiện nay có 1,3% dân số có thể tiếp cận điện thoại cố định và 0,03% dân số đăng ký thuê bao Internet băng thông rộng.
Giá một chiếc thẻ SIM đã giảm mạnh từ 580 USD năm ngoái xuống còn 230 USD. Một chủ cửa hàng điện thoại ở Yangoon cho biết, doanh số của họ đã tăng gấp 5 lần năm ngoái.
Một khó khăn lớn đối với hoạt động giao dịch ở Myanmar là vấn đề thanh toán. 17 ngân hàng đã thiết lập một liên minh thanh toán, theo đó cho phép người dân mua hàng và thanh toán bằng thẻ nội địa.
MasterCard Inc. và Visa Inc. đang tìm cách xâm nhập thị trường này, dù lệnh cấm giao dịch xuyên biên giới vẫn có hiệu lực cho đến khi Mỹ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận.
Zaw Lin, một nhân viên ở công ty thương mại cho biết các chính sách mới của chính phủ đã khiến cho việc đổi tiền ở ngân hàng dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, với những người dân như Zaw Lin hay Thein Oo, các chính sách của chính phủ vẫn chưa có tác động đáng kể đến cuộc sống của họ. Zaw Lin nói, “đã có nhiều thay đổi lớn ở đất nước, nhưng với mức độ địa phương thì cuộc sống hầu như vẫn vậy. Dường như chỉ có người giàu là được lợi nhiều hơn trước kia”.
Bình luận (0)