Dự kiến, Dự thảo luật sẽ được đưa ra trình Quốc hội (QH) cho ý kiến vào kỳ họp sắp tới. Theo Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền, dự thảo luật quy định chính sách bảo hiểm việc làm thay cho chính sách bảo hiểm thất nghiệp đang bộc lộ nhiều hạn chế. Tuy nhiên, tại phiên họp ngày 5-10 của Ủy ban Thường vụ QH, nhiều ý kiến không tán thành nội dung này.
Chưa phù hợp và không khả thi
Ngoài hỗ trợ cho người thất nghiệp như hiện nay, bảo hiểm việc làm sẽ hỗ trợ cả cho lao động đang làm việc. Điều này sẽ góp phần hỗ trợ người sử dụng lao động khi gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng; hỗ trợ lãi suất tiền vay để thanh toán các chế độ cho người lao động; hỗ trợ kinh phí đào tạo phát triển kỹ năng nghề cho người lao động...
Dự án Luật Việc làm đưa ra quy định bảo hiểm cho cả những lao động đang có việc làm là không tưởng!
Mặt khác, quy định mức đóng bảo hiểm việc làm giữ nguyên như mức đóng bảo hiểm thất nghiệp hiện hành, trong khi đối tượng và chính sách mới mở rộng so với chế độ bảo hiểm thất nghiệp là chưa phù hợp và không khả thi.
Tranh luận "nảy lửa"
Một bất cập khác là nếu ban hành một số quy định như bảo hiểm việc làm sẽ phải sửa đồng thời nhiều luật khác. Chính vì vậy, nhiều quy định trong dự án luật đã làm nảy sinh các tranh luận trái chiều "nảy lửa" tại Thường vụ QH.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói thẳng: "Giả sử tôi là người lao động đi tìm việc làm, đọc luật này tôi chưa thấy chính sách gì ở đây cả. Vấn đề quan trọng là chính sách ban hành phải giải quyết được việc làm cho người dân. Để người chưa có việc làm sẽ có việc làm, ai đang có việc sẽ không bị thất nghiệp... Tôi nghe luật mà thấy chán quá".
Theo Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý, nên xem lại sự cần thiết của bảo hiểm việc làm. Trong bối cảnh vẫn chưa đủ ngân sách để chi trả cho bảo hiểm thất nghiệp như hiện hành mà dự án Luật Việc làm còn muốn mở rộng sang cả lao động ngắn hạn là thiếu khả thi. Ông Lý nhận định, đây là một chính sách "chưa chín chắn" khi phủ nhận một số quy định về bảo hiểm thất nghiệp trong Bộ Luật Lao động vừa sửa đổi.
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng nên cân nhắc đến ngân sách chi trả. Đây cũng là băn khoăn của bà Trương Thị Mai: "Lấy tiền đâu để hỗ trợ cho hàng trăm doanh nghiệp đào tạo lại lao động? Quan điểm của tôi là vẫn phải giữ chính sách bảo hiểm thất nghiệp như hiện nay rồi sau đó tổng kết, đánh giá". Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu tán thành ý kiến bà Mai và bày tỏ lo ngại vấn đề "túi tiền".
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền tiếp thu các ý kiến của Thường vụ QH và cho rằng, những vấn đề còn chồng chéo với các luật khác thì sẽ được xem xét để thống nhất trong dự án luật Việc làm.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho biết: “Đây là phiên tranh luận sôi nổi nhất từ khi tôi ngồi điều hành ở hai kỳ QH".
Dự án Luật Việc làm quy định về 7 nhóm vấn đề lớn của việc làm: Phát triển việc làm; thông tin thị trường lao động; quản lý lực lượng lao động; phát triển kỹ năng nghề; dịch vụ việc làm; tuyển, đăng ký sử dụng lao động; bảo hiểm việc làm. Ba nhóm đối tượng được áp dụng: người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, đang có việc làm hoặc không có việc làm nhưng có khả năng lao động và nhu cầu làm việc; người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân sử dụng lao động có liên quan đến việc làm. |
Bình luận (0)