Trong hội nghị tổng kết mùa giải 2012 ngày 6-10, một vấn đề được nhắc đến như một tồn đọng mà VPF chưa khắc phục được chính là việc phá giá cầu thủ; nhiều HLV, cầu thủ và môi giới vẫn đang bắt tay nhau lũng đoạn thị trường chuyển nhượng. Theo ông bầu Nguyễn Đức Thụy của Sài Gòn Xuân Thành và Chủ tịch CLB Thanh Hóa - ông Nguyễn Văn Đệ, nếu các ông bầu chung tay cùng siết chặt giá cầu thủ thì tình trạng loạn giá khó có đất sống. Trong thời điểm khó khăn chung của doanh nghiệp hiện nay, đó là cơ hội vàng để đưa thị trường cầu thủ trở lại giá trị thực.
Mới một năm trước, nhiều đội bóng sôi sục săn tìm mua lại những cầu thủ chất lượng của Hòa Phát Hà Nội, điển hình là vụ tranh chấp đình đám tiền vệ Đinh Thanh Trung khi bầu Kiên của Hà Nội ACB tiếp quản lại CLB Hòa Phát Hà Nội. Ngược lại, mùa này, chính các cầu thủ Navibank Sài Gòn lại đang hoảng hốt vì nếu đội giải thể, rất nhiều người sẽ bị thất nghiệp. Thị trường chuyển nhượng đang đóng băng. Ngay cả B.Bình Dương đang nổi đình đám với 2 thương vụ chiêu mộ thủ môn Phan Văn Santos và tiền đạo Timothy cũng chỉ phải trả những mức giá khá rẻ, thậm chí chỉ bằng một nửa mùa giải trước.
Tình cảnh chạy đôn chạy đáo đi liên hệ tìm việc của cầu thủ Navibank Sài Gòn nhưng chẳng mấy đội bóng đón nhận bởi chưa có hợp đồng thanh lý cũng là thực trạng chung của cầu thủ nhiều CLB khác. Có thể điểm danh hàng loạt cầu thủ đã và đang khoác áo tuyển quốc gia và U23 Việt Nam như Tài Em, Quang Hải, Thế Anh, Việt Cường (Navibank Sài Gòn), Công Vinh, Thành Lương, Sỹ Mạnh (CLB Bóng đá Hà Nội), Khoa Điển (CLB TPHCM)... có thể sẽ trở thành khán giả bất đắc dĩ ở mùa bóng tới. Với khoản tiền vài tỉ đồng đền bù hợp đồng quá lớn nên chẳng mấy CLB dám hỏi mua hoặc mượn những “ngôi sao” này.
Các cầu thủ Navibank Sài Gòn cho biết mong muốn lớn nhất lúc này của họ là chủ tịch CLB Nguyễn Vĩnh Thọ ra mặt để giải quyết chuyện hợp đồng để tranh thủ đi tìm việc. Còn chuyện tiền nong, họ chỉ mong bằng một nửa, thậm chí là 1/3 giá trị những mùa trước cũng đã hài lòng. Nhiều cầu thủ của các đội khách thậm chí còn tính đến phương án thử việc, nếu được thi đấu chỉ nhận lương mà không cần lót tay bởi hiện tại, số cầu thủ thất nghiệp đang ngày một đông mà nếu chậm chân sẽ không còn cơ hội dự giải tới!
Khó lòng phản ứng tiêu cực Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ khẳng định: “Nếu các ông bầu chung tay siết chặt việc quản lý giá cả cầu thủ, chuyện cầu thủ rao giá 1,5 tỉ đồng nhưng với 500 triệu đồng, thậm chí là 300 triệu đồng họ cũng phải đá là bình thường. Khi chẳng đội bóng nào phá giá, cầu thủ sẽ tự hiểu và phải chấp nhận chuyện đó”. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, điều này cũng được xem là một giải pháp để giảm gánh nặng tài chính cho các đội bóng và đương nhiên, giới cầu thủ cũng khó lòng phản ứng tiêu cực. |
Bình luận (0)