Ảnh: NGUYỄN HẢI
Tăng đột biến
Con số thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu gần 5 triệu tấn sắt thép các loại, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đáng chú ý là chỉ riêng lượng thép nhập từ TQ đã gần 1,4 triệu tấn, chiếm 28% tổng lượng thép nhập khẩu.
Các loại thép nhập khẩu từ TQ đều tăng rất mạnh, như thép cán nóng cuộn tăng 179%, thép cán nóng dạng tấm tăng 199%, thép mạ kẽm khổ hẹp tăng 131%, thép xây dựng dạng thanh tăng 123%... Đặc biệt, thép cuộn xây dựng loại Þ6 và Þ8 tăng 557% với tổng số là 156.000 tấn, trong khi loại này năm ngoái chỉ nhập khoảng 35.000 tấn…
Giết hàng trong nước
Trong khi đó, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng hàng tồn kho của các DN thép trong nước hiện rất lớn và vẫn đang có nguy cơ gia tăng. Tính đến hết tháng 8, lượng thép tồn kho đã lên tới 315.000 tấn và cuối tháng 9 là khoảng 330.000 tấn.
Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch VSA, cho rằng thép TQ đang là vấn nạn của ngành. Việc nhà sản xuất “lách” bằng cách cho vào chất Bo đã khiến ngành chức năng đau đầu trong việc tìm cách ngăn chặn. Bởi thực tế, thép Bo kích thước Þ6 và Þ8 chủ yếu được nhập về để sử dụng trong xây dựng nhưng lại được hưởng thuế suất ưu đãi 0%, trong khi nếu là thép xây dựng bình thường (không có chất Bo) thì phải chịu thuế nhập khẩu ít nhất là 5% (trước đây là 15%). Đây cũng là lý do khiến người ta đang ùn ùn nhập loại thép này.
Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Việt, than các DN sản xuất thép trong nước đang gặp nhiều khó khăn khi thép TQ giá rẻ ồ ạt tràn vào. “Mặc dù chất lượng thép TQ không bằng thép xây dựng của các DN trong nước nhưng nhờ giá rẻ nên loại thép này vẫn được tiêu thụ mạnh, nhất là ở các vùng nông thôn, các công trình tư nhân…”- ông Thái nói.
Các DN thép cho rằng nhiều đơn vị nhập về với lý do để sản xuất que hàn nhưng thực tế sau khi nhập lại bán dạng thép xây dựng. “Nhu cầu cả nước chỉ dùng khoảng 2.000 tấn thép có hợp kim để sản xuất que hàn trong khi loại thép này đã được nhập về với con số lên đến hàng trăm ngàn tấn” - lãnh đạo một DN thép bức xúc.
Cần mạnh tay kiểm soát
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch VSA, cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn trong việc kiểm soát hàm lượng, mục đích nhập khẩu của loại thép này như tăng cường giám sát sau thông quan, thực hiện chặt chẽ quy định dán nhãn trên sản phẩm thép nhập khẩu... Đây là biện pháp cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho ngành thép. |
Bình luận (0)