Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta đào tạo 6.500 bác sĩ (BS), 2.800 dược sĩ, 5.000 cử nhân điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế công cộng và 5.100 cán bộ y tế có trình độ sau ĐH. GS Nguyễn Công Khẩn, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo - Bộ Y tế, cho hay hằng năm, số sinh viên (SV) y, dược đều tăng; chỉ tiêu tuyển sinh của ngành này năm 2011 tăng gấp 7 lần năm 2003 và gấp 2 lần năm 2007. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng thừa nhận chất lượng đào tạo nhân lực y tế còn nhiều bất cập. SV ngành y ra trường chưa có khả năng làm việc độc lập, chất lượng sản phẩm đào tạo các trường cũng khác nhau...
“Đao phủ” mặc áo blouse?!
Cũng theo Bộ Y tế, tới năm 2020, dù lượng SV ra trường gấp 2 lần hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu về nhân lực y tế. Đương nhiên, cầu tăng thì cung sẽ tăng và các trường “không hiểu gì lắm về ngành y” cũng tham gia đào tạo cán bộ y tế. Một bất cập đang tồn tại, đó là trong khi một số trường ĐH đào tạo khối ngành y dược lâu năm như Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Dược Hà Nội, Trường ĐH Y Hải Phòng, Trường ĐH Y Dược TPHCM… có điểm đầu vào ở mức cao thì vẫn có không ít trường thông báo điểm xét tuyển chỉ dừng lại ở mức sàn.
Các cơ sở y tế cần có bác sĩ giỏi. Trong ảnh: Bác sĩ một trạm y tế cơ sở ở Thanh Hóa khám bệnh cho người dân.
Ảnh: TTXVN
Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) có mức điểm xét tuyển rất thấp, chỉ 15 điểm đối với ngành dược học (cả hai khối A, B) ở bậc ĐH và 10 điểm đối với hệ CĐ ngành y đa khoa và dược học. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thông báo điểm trúng tuyển ngành điều dưỡng bậc ĐH (khối B) chỉ bằng đúng sàn: 14 điểm, điểm xét tuyển cũng dừng lại ở con số 14…
Hiệu trưởng một trường ĐH khối y dược thẳng thắn nếu cứ lấy lý do thiếu BS để tiếp tục tình trạng đào tạo cán bộ y tế theo kiểu “trăm hoa đua nở” thì 10 năm nữa sẽ để lại hậu quả rất lớn. Một GS làm việc trong ngành y ví von chất lượng đào tạo thấp đã làm xuất hiện những “đao phủ” mặc áo blouse trắng trong hệ thống y tế Việt Nam.
GS Nguyễn Công Khẩn phân tích dù SV y khoa hệ chính quy được đánh giá là giỏi hoặc xuất sắc vì điểm đầu vào rất cao so với các ngành học khác, tuy nhiên trên thực tế, sau 6 năm đào tạo, đa số SV chưa đủ năng lực để hành nghề độc lập. Đối với đào tạo liên thông, đầu vào thấp hơn, quá trình đào tạo cũng không được quan tâm đúng mức. Riêng với đào tạo cử tuyển thì các BS, dược sĩ tốt nghiệp hệ này khó đạt chuẩn tối thiểu đối với chuyên môn và càng kém xa đối với BS, dược sĩ được lựa chọn qua thi tuyển.
Cần một cơ chế kiểm định
Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, khẳng định hơn bất cứ ngành nào, ngành khoa học sức khỏe cần có sự tuyển chọn đầu vào cẩn thận. Ngay trong một trường, giữa các ngành với điểm đầu vào khác nhau, năng lực của SV đã có sự chênh lệch khá rõ rệt. Một số trường ĐH lớn như ĐH Y Hà Nội, để bảo đảm chất lượng đầu ra đã từ chối đào tạo cử tuyển bởi đầu vào quá thấp.
Thế nhưng trên thực tế, những thí sinh này hoàn toàn có thể được tiếp nhận ở một cơ sở đào tạo khác, rồi cũng sẽ tốt nghiệp, thành BS và hành nghề. Một chuyên gia y tế cho hay ở một số nước, để được hành nghề BS đa khoa, bác sĩ phải được đào tạo bởi một chương trình y khoa được kiểm định và công nhận bởi cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề quốc gia, phải thi đỗ kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề.
Còn để trở thành BS chuyên khoa, còn phải học thêm ít nhất 2 năm tại cơ sở đào tạo chuyên khoa. Trong khi ở Việt Nam, học sinh phổ thông thi đỗ ĐH vào trường y, sau 6 năm học có bằng BS đa khoa là có thể hành nghề. SV mới ra trường làm việc ở một cơ quan y tế chỉ cần 18 tháng, theo quy định, là có thể thi và học chuyên khoa cấp I.
Những lo ngại về tuyển sinh và đào tạo ngành y đã đặt ra nhu cầu cấp bách về việc phải có một cơ chế kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho hay ông ủng hộ sự tham gia của các trường tư trong việc đào tạo nhân lực ngành y tế, tuy nhiên “phải làm nghiêm túc, không được phép đào tạo ra sản phẩm kém chất lượng, không sử dụng được”.
GS Nguyễn Công Khẩn cho biết trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ thành lập đơn vị kiểm định để tổ chức kiểm định các chương trình giáo dục, hỗ trợ các trường để đạt được chuẩn, tiến hành xếp hạng các trường để nâng cao chất lượng đào tạo.
Cả nước có hơn 20 trường ĐH đào tạo nhân lực y tế. 35 trường CĐ y, dược đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ cùng 44 trường trung cấp. |
Bình luận (0)