Phương án cụ thể được đề xuất là: Các nhà giáo đã nghỉ hưu từ tháng 1-1994 đến tháng 12-1998 tiền trợ cấp là 2 triệu đồng/người; các nhà giáo đã nghỉ hưu từ tháng 1-1999 đến tháng 12-2003, tiền trợ cấp là 3 triệu đồng/người; các nhà giáo đã nghỉ hưu từ tháng 1-2004 đến tháng 5-2011 sẽ nhận số tiền trợ cấp là 3,5 triệu đồng/người. Dự toán ngân sách chi cho chế độ khoảng 565 tỉ đồng.
Với họ, cần được ghi nhận đúng và đãi ngộ tương xứng thay vì đưa ra chính sách kiểu ban ơn
Bộ GD-ĐT cho hay việc đưa ra mức trợ cấp như trên được xem xét trong mối tương quan về chế độ phụ cấp thâm niên của công chức, viên chức nói chung và xem xét cả mối tương quan giữa các nhà giáo đã được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu ở giai đoạn trước và nhà giáo được hưởng phụ cấp thâm niên theo Nghị định 54/2011/CP.
Dự thảo này đã khiến nhiều nhà giáo bất bình. Nhà giáo Vũ Lạng, cựu giáo viên Trường THPT Lý Tự Trọng - Hà Nội (nay là Trường THPT Trương Định), bày tỏ để công bằng trong chính sách thì tất cả giáo viên phải được tính phụ cấp thâm niên như giáo viên về hưu từ ngày 1-5-2011 về sau. Một nhà giáo nguyên là phó hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Hà Nội cũng bức xúc cho biết bà và các đồng nghiệp đề nghị Nhà nước nên xem xét lại cách đối xử đối với đội ngũ nhà giáo đã về hưu trước ngày 1-5-2011 thông qua chế độ phụ cấp thâm niên. “Chúng tôi đều mong muốn tinh thần tôn sư trọng đạo được thể hiện trong phụ cấp này” - nhà giáo này nhấn mạnh.
Trả lại công bằng cho nhà giáo
Theo thống kê của Hội Cựu giáo chức Việt Nam, hiện có khoảng 190.000 nhà giáo nghỉ hưu từ tháng 1-1994 đến 5-2011 chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu. Ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng Ban Đời sống Hội Cựu giáo chức Việt Nam, cho hay khi Chính phủ ban hành Nghị định số 54/CP giải quyết chế độ thâm niên cho các nhà giáo thì bên cạnh sự vui mừng của gần 1 triệu nhà giáo đang đứng trên bục giảng, gần 190.000 nhà giáo đã về hưu từ ngày 1-1-1994 đến ngày 1-5-2011 lại nảy sinh nhiều tâm tư vì không được hưởng chế độ này. “Nhiều ý kiến cho rằng cách giải quyết như vậy là không công bằng, chưa phù hợp với đạo lý “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta” - ông Phương cho biết.
GS Phạm Minh Hạc, nguyên bộ trưởng bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, cho rằng mức trợ cấp này có thể coi là sự xúc phạm các nhà giáo về hưu. “Cả đời đi dạy, không ai có thể đồng tình với mức phụ cấp này. Số tiền này thì chỉ bằng phụ cấp thâm niên 1 tháng của người đang giảng dạy. Nếu Bộ GD-ĐT tính phụ cấp như thế thì Hội Cựu giáo chức Việt Nam sẽ đề nghị thôi không phải thực hiện nữa”.
3 phương án của Hội Cựu giáo chức Việt Nam
Hội Cựu giáo chức Việt Nam đã đưa ra 3 phương án giải quyết phụ cấp thâm niên cho nhà giáo. Phương án 1: Đề nghị được hưởng phụ cấp thâm niên như giáo viên đương chức, mức phụ cấp 30% (tương đương 30 năm công tác). Nếu theo phương án này, số tiền phụ cấp cho mỗi giáo viên là 900.000 đồng/tháng, phụ cấp Nhà nước chi trả cho 190.000 giáo viên là hơn 2.000 tỉ đồng/năm. Phương án 2: Thực hiện chế độ trợ cấp như Nghị quyết 21, bình quân mỗi giáo viên nhận 45 triệu đồng, nếu ngân sách Nhà nước khó khăn có thể chi trả trong 3 năm. Phương án 3: Mỗi năm công tác, giáo viên được nhận 1/3 tháng lương, bình quân mỗi giáo viên nhận 30 triệu đồng, có thể chi trả trong 3 năm. |
Bình luận (0)