Ngày 8-10, ông Trần Văn Thành, quyền Giám đốc Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn, cho biết đang hoàn tất thủ tục xử lý cán bộ, kiểm lâm viên trạm 8, Hạt Kiểm lâm VQG Yok Đôn vì để lâm tặc ngang nhiên vận chuyển gỗ trái phép và quay clip giả làm kiểm lâm bắt các đối tượng vận chuyển gỗ lậu thuộc lâm phần trạm 8 trong tháng 7 vừa qua. Theo ông Thành, quan điểm của lãnh đạo VQG Yok Đôn là xử lý nghiêm những cá nhân sai phạm để làm gương, chấn chỉnh lại hoạt động kiểm lâm ở đây.
Lâm tặc dùng phương tiện cơ giới để phá rừng.
Rừng vẫn bị tàn phá
Vài năm trở lại đây, VQG Yok Đôn thường xuyên bị lâm tặc đốn hạ gỗ quý, săn bắn động vật trái phép. Giữa năm 2011, tỉnh Đắk Lắk đã phát động toàn dân bảo vệ rừng. Nhờ vậy, tình trạng phá rừng có phần lắng xuống nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn. Sau đó, rừng ở khu vực này lại bị tàn phá. Tại các trạm kiểm lâm số 2, 3, 8… của Hạt Kiểm lâm VQG Yok Đôn trong những ngày đầu tháng 10 này, rải rác vẫn còn những cây gỗ quý như hương, căm xe… bị đốn hạ.
Ông Trần Văn Thành thừa nhận: Sau khi lực lượng kiểm lâm tăng cường tuần tra, kiểm soát, tình trạng phá rừng với quy mô lớn đã giảm. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình trạng phá rừng nhỏ lẻ vẫn còn xảy ra trong vườn. Theo thống kê, chỉ trong tháng 8 năm nay, Hạt Kiểm lâm VQG Yok Đôn đã phát hiện 89 vụ phá rừng, thu giữ hơn 80 m3 gỗ, 19 cưa máy, 3 ô tô, 6 xe công nông, 32 xe máy, 59 xe đạp…
Do có nhiều loài động vật quý, việc săn bắn thú rừng vẫn diễn ra ở VQG Yok Đôn. Trong khi đó, số vụ phát hiện và bắt giữ các đối tượng săn bắn trái phép lại quá ít. Trong tháng 8, Hạt Kiểm lâm VQG Yok Đôn chỉ phát hiện và thu giữ được 3 khẩu súng, 21 viên đạn; phá 261 bẫy thú. Trong đó, tối 19-8, tổ tuần tra Hạt Kiểm lâm VQG Yok Đôn phát hiện một vụ săn bắn trái phép trong vườn. Qua kiểm tra, lực lượng kiểm lâm phát hiện có 5 người, 1 con hoẵng, 1 khẩu súng và 21 viên đạn ở trên một chiếc ô tô. Tuy nhiên, do chỉ có 2 nhân viên kiểm lâm, các đối tượng vi phạm đã lợi dụng trốn thoát.
Theo ông Thành, chiếc ô tô nói trên mang biển kiểm soát trùng với xe của một phó công an huyện của tỉnh Đắk Nông. Lúc bị phát hiện, trên ô tô có người mặc sắc phục công an. Vì vậy, VQG Yok Đôn đã gửi công văn đến các cơ quan liên quan của 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đề nghị điều tra vụ việc. “Sau đó, cơ quan chức năng đã làm việc với lãnh đạo vườn nhưng vẫn chưa thông báo kết quả điều tra, xử lý” - ông Thành cho biết.
Trong khi đó, việc mua bán động vật rừng ở 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp - Đắk Lắk vẫn diễn ra công khai.
Buông lỏng từ trong ra ngoài
“Trong thời gian qua, hệ thống quản lý bảo vệ rừng ở VQG Yok Đôn bị buông lỏng từ trong ra ngoài. Đa số cán bộ yếu năng lực, chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt, lợi ích cá nhân chứ không nghĩ đến việc bảo vệ rừng. Vì vậy, khi lập lại công tác quản lý bảo vệ rừng, chính những người này lại bị lâm tặc đe dọa; nội bộ phát sinh mâu thuẫn do quyền lợi bị đụng chạm…” - ông Trần Văn Thành đánh giá.
Hiện xung quanh VQG Yok Đôn có đến hàng chục đầu nậu lớn sống bám vào rừng. Những đầu nậu này chủ yếu làm giàu từ khai thác gỗ trái phép trong VQG Yok Đôn. Họ hoạt động rất chuyên nghiệp từ trang bị phương tiện, tổ chức phá rừng đến việc “dọn đường” để vận chuyển gỗ đến nơi tiêu thụ.
Ông Thành cho biết thêm: “Chỉ riêng xã Krông Na, huyện Buôn Đôn hiện có hơn 10 đầu nậu loại “dữ dằn”, còn loại nhỏ hơn thì nhiều vô kể. Họ đã mua chuộc một bộ phận kiểm lâm, cán bộ và một số lãnh đạo chính quyền địa phương. Mặc dù tôi mới về đây nhận công tác được 2 tháng, quan hệ chưa nhiều nhưng những lần xử lý các vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, tôi đều nhận được điện thoại từ nhiều nơi xin tha”.
Phần lớn thú rừng, gỗ quý khai thác trái phép từ VQG Yok Đôn được vận chuyển trên Tỉnh lộ 1 để về TP Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk tiêu thụ. Trên tuyến đường dài gần 50 km này có nhiều chốt trạm của cơ quan chức năng nhưng thú rừng, gỗ khai thác trái phép vẫn qua trót lọt. Ông Thành cho biết: Ô tô, xe tải chở gỗ lậu hết hạn đăng kiểm, thậm chí không có biển số cũng vận chuyển gỗ lậu trót lọt qua Tỉnh lộ 1. “Nếu nói lực lượng chuyên ngành không biết thì tôi phản đối. Biết hết nhưng họ không bắt” - ông Thành bức xúc nói.
Làm rõ trách nhiệm vụ voi bị giết Bộ NN-PTNT vừa có công văn đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ loài voi, bảo vệ rừng ở địa phương; chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và điều tra đối tượng vừa giết hại 2 con voi rừng tại Tiểu khu 257, VQG Yok Đôn (Báo Người Lao Động đã phản ánh). Đồng thời, Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk sớm hoàn thành, rà soát, bổ sung dự án bảo tồn voi Đắk Lắk đến năm 2020 để trình Thủ tướng phê duyệt. Trước đó, ngày 30-8, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cũng đã có công văn chỉ đạo VQG Yok Đôn khẩn trương phối hợp với cơ quan chức năng truy tìm đối tượng sát hại 2 con voi rừng nói trên. |
Bình luận (0)