Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều doanh nghiệp (DN) bị áp thuế sai hoặc do hệ thống văn bản hướng dẫn về thủ tục thuế và hải quan bất cập… làm tăng thêm chi phí cho DN.
Đã khó lại thêm khổ
Mới đây, Tổng cục Hải quan đã đề xuất Bộ Tài chính bổ sung điều kiện ân hạn thuế là DN phải có bảo lãnh của ngân hàng (NH). Tổng cục Hải quan cho rằng do chính sách ân hạn thuế thời gian qua khá thông thoáng nên nhiều DN dệt may chây ì không nộp thuế.
doanh nghiệp .Ảnh: HỒNG THÚY
Một lãnh đạo Công ty CP Dệt may và Đầu tư Thành Công tính toán hiện nay, DN nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu được hưởng chính sách ân hạn thuế 275 ngày. Thế nhưng, nếu việc ân hạn tiền nộp thuế phải có điều kiện bảo lãnh của NH thì công ty phải tăng thêm chi phí 4-5 tỉ đồng/năm.
Mất tiền vì bị áp sai thuế
Theo nhiều DN, trường hợp cơ quan thuế áp mã thuế sai và chính sách thiếu thực tế cũng đang là gánh nặng về tài chính của DN. Đơn cử vụ nhập khẩu 26 ô tô tải van hiệu Daewoo Matiz của Công ty CP Ô tô Tây Bắc từ năm 2009. Tất cả số xe này đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận với tiêu chí loại phương tiện là ô tô tải van nhưng Hải quan TP Hải Phòng và Bộ Tài chính vẫn yêu cầu áp thuế ô tô chở người. Công ty này nhiều lần nộp đơn kêu cứu và đến tận tháng 9-2012, Bộ Tài chính mới thừa nhận ô tô mà DN nhập khẩu là xe tải Van để áp đúng mã thuế.
Tuy giải được tiếng oan là không gian lận thương mại nhưng Công ty CP Ô tô Tây Bắc phải gánh thêm 1,8 tỉ đồng tiền thuế phạt chậm nộp và truy thu thuế nên tiếp tục làm đơn khiếu nại. Chưa biết khiếu nại này có được giải quyết không nhưng trước mắt, DN đã mất uy tín với bạn hàng khi ô tô nhập về 2 năm mà chưa được thông quan...
Mới đây, tại hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục thuế, hải quan năm 2012, nhiều DN đã nêu bức xúc về mức thuế môi trường đối với mặt hàng bao bì ni lông. Đại diện Tổng Công ty May Việt Tiến cho biết mỗi năm, công ty nhập khẩu khoảng 30 tấn bao bì ni lông để đóng gói sản phẩm. Từ đầu năm 2012 đến nay, cơ quan thuế ấn định mức thuế môi trường 40.000 đồng/kg
đối với mặt hàng bao bì ni lông là không đúng vì khoản 1 điều 2 Luật Bảo vệ Môi trường quy định thuế bao bì là thuế gián thu vào sản phẩm...
Điều chỉnh quy định thuế với túi ni lông Trước những phản ứng của DN, ông Phạm Đình Thi, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), thừa nhận ngành thuế đã nhìn thấy một số vướng mắc về thuế đối với mặt hàng bao bì ni lông. Vì thế, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52 có hiệu lực từ ngày 15-11, quy định miễn thuế đối với bao bì ni lông do DN sản xuất hoặc mua của DN khác để đóng gói sản phẩm. “Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể về việc miễn thuế cho mặt hàng bao bì ni lông” - ông Thi nói. |
Bình luận (0)