Một kiến trúc sư nổi tiếng, người đã từng tham gia phục dựng nhiều công trình di tích, cho biết rất nhiều quỹ nước ngoài muốn đầu tư vào các dự án văn hóa của Việt Nam nhưng khó thực hiện vì không được cấp phép.
Đòi nâng từ 1,5 tỉ đồng lên 11 tỉ đồng
Theo vị kiến trúc sư, nguyên do của việc không cấp phép là nếu nước ngoài đầu tư thì sẽ không có chuyện chia “hoa hồng”. “Tôi từng được một số lãnh đạo chính quyền nhờ lên hạch toán trùng tu dự án. Sau khi tính toán cụ thể, tôi đưa ra số tiền khoảng 1,5 tỉ đồng nhưng họ lại yêu cầu nâng lên 11 tỉ đồng” - người kiến trúc sư nêu thực trạng.
Nhà Tổ chùa Trăm Gian đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: HOÀNG LAN ANH
Làm việc như cỗ máy
Nhận xét về cách làm việc của các cơ quan quản lý văn hóa hiện nay, GS Trần Lâm Biền cho rằng nó giống như những cỗ máy. Theo ông, chỉ đến khi di tích bị xâm phạm, cơ quan quản lý mới quan tâm. “Làm việc theo cách thức như vậy thì không đầy đủ trách nhiệm với quá khứ và hiện tại” - ông Biền nhận xét.
Sư trụ trì chùa Trăm Gian Thích Đàm Khoa cho biết đợt mưa bão vừa qua đã khiến nhà Tổ bị sập một góc mái. Do sợ sập toàn bộ công trình gây hư hại hệ thống tượng Phật và mất an toàn cho khách thập phương nên chùa đã tự ý tháo dỡ thi công nhà Tổ cùng gác Khánh. Điều đáng nói là Sở VH-TT-DL TP Hà Nội cho rằng di tích chùa Trăm Gian đã được UBND TP Hà Nội phân cấp cho UBND huyện Chương Mỹ trực tiếp quản lý, trong khi huyện này lại khẳng định chỉ quản lý hành chính, còn việc trùng tu là của Sở VH-TT-DL và UBND TP.
Mặc dù một số hạng mục đã xuống cấp nhưng chùa Một Cột vẫn chưa được trùng tu. Ảnh: YẾN ANH
Nghiệp dư hóa việc bảo tồn
GS Hoàng Văn Khoán, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng nhiều nơi, việc trùng tu không làm đúng các quy định hiện hành, vứt bỏ các hiện vật gốc, thay vào đó là vật liệu và điêu khắc hiện đại làm biến dạng di tích. Kiến trúc sư Lý Trực Dũng đặt câu hỏi: “Vì sao nhiều di tích trùng tu xong người dân không còn nhận ra nó?”. Theo ông, do người làm công tác trùng tu không có kiến thức lịch sử, kiến trúc, văn hóa; đấu thầu được dự án thì thuê đơn vị khác hoặc các nhóm thợ nhỏ lẻ làm…
Theo GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, phần lớn nhân lực tham gia vào việc bảo tồn di sản không được đào tạo chuyên sâu nên tính chuyên nghiệp chưa cao. “Với cách làm và nhận thức sai lệch về hoạt động bảo tồn di tích như hiện nay, chúng ta đang đứng trước nguy cơ làm mất bản sắc của nhiều di tích văn hóa, lịch sử sau khi được bảo tồn” - GS Tiêu nhận định.
Công khai dự án tu bổ di tích Theo Nghị định Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, các dự án tu bổ di tích phải được đưa ra lấy ý kiến của tổ chức và cá nhân. Sau khi dự án được phê duyệt, phải công bố công khai tại địa phương có di tích. Đối với dự án tu bổ di tích có mức đầu tư lớn, phải được sự chấp nhận về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. |
Bình luận (0)