Ngày 12-10, thượng tá Lê Minh Tuấn, Phó Chỉ huy trưởng Cơ quan Quân sự huyện Khánh Sơn - Khánh Hòa, cho biết đoàn thanh tra quốc phòng thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã làm việc với Huyện đội Khánh Sơn về việc 11 cán bộ và chiến sĩ của huyện đội nhận 220 triệu đồng của người dân trúng trầm. Số tiền trên đã được giao nộp lại cho đoàn thanh tra.
Được chia để hưởng lộc?
Trong một diễn biến khác, vào ngày 8-10, các ông Bùi Văn Khánh, Bùi Hữu Thảo, Thái Tùng, Chung Minh Hòa (cùng ngụ xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn), đại diện cho 56 người đào trầm tại rừng Gộp Ngà, đã có đơn kiến nghị gửi UBND và Công an huyện Khánh Sơn về việc họ được người của công an huyện hứa ăn chia số tiền từ trầm đào được. Trong đơn nêu rõ họ đã đào được 4 cục trầm. Công an huyện (gồm các ông: Hà, Kiên, Trung và một số người khác) đã hứa ăn chia với họ theo tỉ lệ 50:50.
Ngày 12-10, ông Thái Tùng, người viết đơn kiến nghị, cho biết vào hôm đào trúng trầm, hàng trăm người chứng kiến và họ nghe có người nói công an cho phép đào. Sau khi đào được trầm, ông Kiên bắn một phát súng chỉ thiên và nhóm công an này lấy toàn bộ 4 cục trầm. Tuy nhiên, sau 14 ngày, những người đào trầm không nhận được đồng tiền ăn chia nào nên bức xúc. Ông Tùng ước tính tổng cộng 4 cục trầm này nặng khoảng 1,5 kg và có giá khoảng 10-15 tỉ đồng.
Anh Huỳnh Ngoái (ngụ xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc - Quảng Nam, cũng là người tham gia đào trầm trong đêm 26-9) cho biết sau khi người dân hô đã tìm thấy trầm thì ông Kiên nhảy xuống hầm ôm cục trầm quấn vào áo. Khoảng 23 giờ, nhóm công an mang theo toàn bộ số trầm rút về.
Dân quân xã không liên quan
Anh Vũ Mạnh Quyền (Quyền “quần đùi”), có mặt khi đào trúng trầm, cho biết anh là người trực tiếp lập danh sách hơn 200 người và đưa cho một người tên Bốn Niệm để gửi cho các anh công an để ăn chia. Sau khi tổng hợp từ các “bầu” (những người đứng đầu các nhóm), số người được chốt sổ là 315. Tuy nhiên, hiện tại, có người được chia, người lại không. Anh Quyền cho biết đã được chia 1,1 triệu đồng.
Bố trí lại lực lượng tham gia liên ngành Theo thượng tá Nguyễn Tiến, Phó trưởng Công an huyện Khánh Sơn, theo quy định pháp luật và phụ lục 2 của công ước quốc tế, việc khai thác, mua bán trầm kỳ là trái pháp luật. Lực lượng công an đã lập biên bản tạm giữ một khúc rễ đen dài 25 cm để kiểm định có phải trầm kỳ hay không. Ông Tiến cũng cho biết công an tham gia lực lượng liên ngành bảo vệ bãi trầm hôm đó là khoảng 10 người và đã được yêu cầu viết bản tường trình. Theo sự chỉ đạo của UBND huyện Khánh Sơn, công an huyện đã bố trí lại lực lượng tham gia liên ngành. Về tin đồn cán bộ, chiến sĩ công an có ăn chia với dân đào trầm, ông Tiến cho biết đang điều tra làm rõ. |
Bình luận (0)