Sáng 13-10, ông Nguyễn Văn Nhãn, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (CB-GD-LĐXH) của tỉnh Bình Phước, cho biết sau suốt đêm qua, nhân viên của trung tâm phối hợp với các lực lượng chức năng tại các xã lân cận đã bắt lại được trên 70 học viên cai nghiện trốn trại.
Trước đó, lúc 17 giờ, ngày 12-10, khi đến giờ cơm chiều, nhân viên của Trung tâm CB-GD-LĐXH mở cửa phòng học viên để cho đại diện mỗi phòng (từ 3-4 học viên/phòng) ra nhận cơm, canh. Khi ra đến ngoài sân, lúc này đã có khoảng 40 học viên đại diện của các phòng đưa ra yêu sách không được chặn đường cung cấp thuốc lá từ bên ngoài vào. Tuy nhiên, cán bộ nhân viên trung tâm từ chối yêu sách trên và yêu cầu những đại diện quay trở lại phòng. Ngay lập tức nhóm học viên này la hét kích động hàng trăm học viên còn lại dùng các vật dụng đập phá cửa để lao ra ngoài sân.
Do đã được chỉ đạo của lãnh đạo từ trước đó nên những cán bộ trực đóng chặt cửa chính của trung tâm, đồng thời gọi điện báo Công an xã Minh Lập và Công an huyện Chơn Thành tới hỗ trợ. Trong khoảng thời gian này, hàng trăm học viên bắt đầu chạy ra bức tường sau trại đập vỡ một khoảng trống để chui ra và bỏ trốn.
Ông Nhãn cho biết trước đó vài ngày, sau khi phát hiện ra đường dây chuyển thuốc (trong đó có thuốc lá) do các đối tượng bên ngoài câu kết với những học viên đã ra trại quẳng vào (qua tường của trung tâm) để bán cho học viên đang chữa trị tại đây. Vì vậy lãnh đạo trung tâm đã siết chặt công tác tuần tra, bảo vệ và thu giữ được nhiều tang vật.
Do bị siết chặt dẫn đến "đói" thuốc nên các học viên bắt đầu có thái độ manh động. “Khi vụ việc xảy ra, do cán bộ và nhân viên tại đây quá mỏng, dù có sự hỗ trợ của công an địa phương nhưng các học viên rất manh động, dùng đá ném vào lực lượng chức năng. Vì vậy, chúng tôi đã chỉ đạo đóng chặt cửa chính, cứ để học viên chạy cửa sau, đến khi học viên tách ra từng nhóm trên đường trốn chạy thì nhân viên trung tâm sẽ phối hợp với lực lượng chức năng ở các xã lân cận để chặn bắt”, ông Nguyễn Văn Nhãn, Giám đốc Trung tâm CB-GD-LĐXH tỉnh Bình Phước nói.
Cũng theo ông Nhãn, tại trung tâm có 276 học viên đang được chữa trị và học tập (có 34 nữ). Trong khi đó toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế và bảo vệ chỉ có 36 người. Bên cạnh đó, do trung tâm được xây dựng từ năm 1992, vì vậy hệ thống cơ sở hạ tầng tại đây xuống cấp trầm trọng, không kiên cố như những cơ sở của TPHCM xây dựng trên địa bàn tình Bình Phước. Trong vụ đập phá tường để trốn, có tổng cộng 131 học viên trốn trại tập thể.
Bình luận (0)