“Dự thảo Luật Việc làm là một sự cóp nhặt vụng về. Đọc trong đó, người ta sẽ thấy nó na ná Bộ Luật Lao động, Luật BHXH, Luật Dạy nghề và Luật Người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài...”. Đây là nhận xét chung của nhiều đại biểu tham dự buổi góp ý cho dự thảo Luật Việc làm được Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức ngày 15-10.
Luật “chồng” luật
Một “sáng tạo” của ban soạn thảo là đưa ra chính sách “bảo hiểm việc làm” (BHVL) với mục đích “hỗ trợ duy trì việc làm và giải quyết chế độ đối với người thất nghiệp”. Ngoài việc “bê nguyên xi” chương về bảo hiểm thất nghiệp của Luật BHXH, dự thảo về BHVL còn vươn tới những mục đích “không tưởng” khác trong việc “hỗ trợ việc làm”. Đó là hỗ trợ cho người sử dụng lao động gặp khó khăn do suy giảm kinh tế để duy trì việc làm; hỗ trợ kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho NLĐ đang làm việc cho mình; đào tạo lại cho NLĐ trước khi chuyển làm nghề khác cho mình và hỗ trợ lãi suất tiền vay khi người sử dụng lao động vay tiền từ các tổ chức tín dụng để trả lương; đóng BHXH bắt buộc; BHVL, BHYT; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề... Vấn đề được các đại biểu đặt ra là: Ngoài việc thêm thủ tục phiền phức thì vấn đề quan trọng nhất là lấy tiền ở đâu để chi cho những mục đích “mênh mông thiên địa” như vậy?
Cái cần không thấy đề cập
Theo đại biểu Huỳnh Thị Ngọc Liên, LĐLĐ TPHCM, dự thảo Luật Việc làm tại khoản 1, điều 28 về đăng ký lao động “UBND cấp xã phải có trách nhiệm thông báo và thực hiện việc đăng ký lao động đối với công dân đủ 15 tuổi có hộ khẩu thường trú tại địa bàn” là quá mù mờ vì ai, bộ phận nào sẽ phụ trách vấn đề này? Cũng ở điều này, bà Hoàng Thị Bạch Cúc, Phòng LĐ-TB-XH quận 11 - TPHCM, nói: “Quy định này không khả thi vì lứa tuổi 15 còn đang đi học”. Ngoài ra, quy định NLĐ khi thay đổi trình độ chuyên môn kỹ thuật, tình trạng việc làm, địa điểm việc làm phải bổ sung nội dung đăng ký tại UBND xã cũng bị nhiều đại biểu cho là quá phiền hà, thiếu thực tế.
Một bất hợp lý khác là ở chương 6, dự thảo quy định về dịch vụ việc làm công từ Trung ương đến địa phương là trung tâm giới thiệu việc làm thuộc sở LĐ-TB-XH, còn lại là doanh nghiệp giới thiệu việc làm. Ông Trần Hiếu Liêm, Sở LĐ-TB-XH TPHCM, phân tích: Tại TPHCM, ngoài Trung tâm Giới thiệu Việc làm TP còn có khoảng 8 trung tâm giới thiệu việc làm của các tổ chức đoàn thể, tạo thuận lợi cho NLĐ tham gia tìm việc. Nếu theo dự thảo, 8 trung tâm sẽ chuyển qua loại hình doanh nghiệp. “Điều này liệu có được các tổ chức chính trị, đoàn thể đồng tình?”- ông Liêm băn khoăn.
Càng thêm rối! Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, đã kiến nghị ban soạn thảo nên xem xét viết lại bởi dự Luật Việc làm còn nhiều điều khoản bất cập so với các luật hiện hành, so với thực tiễn và chưa đáp ứng được lòng mong đợi của người dân. Người dân không biết sẽ được hưởng lợi gì từ luật này, còn về mặt Nhà nước thì có luật này càng rối thêm khi “đẻ” thêm thủ tục. |
Bình luận (0)