Thương vụ Công ty Xuân Thủy, một doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Xuân Thành do ông bầu Nguyễn Đức Thụy - Chủ tịch CLB Sài Gòn Xuân Thành - đứng đầu, mua lại Navibank Sài Gòn với 21 tỉ đồng hiện vẫn chỉ là hoạt động giao dịch kinh tế giữa các ông bầu. LĐBĐ Việt Nam (VFF) chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ phía Navibank Sài Gòn cũng như đối tác vừa “cứu” đội bóng này.
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho biết: “Chưa có đơn vị nào thông báo với VFF sẽ chính thức tiếp quản Navibank Sài Gòn. Theo quy định, một đội bóng mới - dù được chuyển giao từ CLB cũ - muốn trở thành thành viên VFF sẽ phải có công văn xin gia nhập để VFF xét duyệt”. Cũng theo ông Hỷ, hoạt động mua bán, chuyển giao cần phải được diễn ra đúng Luật Doanh nghiệp cũng như các quy định của VFF. Ông Hỷ khẳng định: “Chúng tôi sẽ đề nghị CLB mới đăng ký tên với tinh thần để đội bóng tồn tại lâu dài chứ không phải là gắn tên doanh nghiệp vào rồi đến khi chán thì lại bỏ hoặc đổi tên liên tục”.
Tân Phó Chủ tịch VFF Phạm Văn Tuấn tỏ rõ sự âu lo: “Nhiều ông bầu đang chi phối và không chịu bất cứ sự kiểm soát nào của VFF. Hoạt động mua bán, sáp nhập hiện nay đang diễn ra bát nháo và rất thiếu chuyên nghiệp”. Theo ông Tuấn, VFF chắc chắn sẽ có biện pháp để các ông bầu không thể muốn làm gì thì làm. “Đối với những người đã bỏ bóng đá, đẩy VFF và cầu thủ vào thế khó như ông bầu của Navibank Sài Gòn, phải có chế tài cấm tham gia hoạt động bóng đá” - ông Tuấn nói.
Tân phó chủ tịch VFF kiêm phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT này cũng bày tỏ sự hoài nghi khi doanh nghiệp đứng ra “giải cứu” Navibank Sài Gòn lại là công ty con của một ông bầu đã sở hữu đội bóng ở V-League, dù có thông tin Công ty Xuân Thủy sẽ chuyển giao đội cho Hải Phòng. “Nếu không cẩn thận, VFF có thể bị qua mặt và chuyện một ông bầu 2 đội bóng sẽ biến tướng” - ông Tuấn lo ngại.
Trong cơn khủng hoảng và dưới áp lực của quy định “cấm sở hữu 2 đội bóng chơi cùng 1 giải”, nhiều CLB đã bị rao bán và đang hình thành hẳn một “cái chợ” không được kiểm soát ở V-League. Tổng Thư ký VFF Ngô Lê Bằng nói: “CLB Navibank Sài Gòn chưa hề gửi văn bản báo cáo chúng tôi về việc chuyển giao cho đơn vị nào và ngay cả LĐBĐ TPHCM cũng không thông báo VFF. Như vậy là thiếu tôn trọng VFF”.
VFF hồi hộp bởi sự chuyển giao đôi khi đi kèm rất nhiều góc khuất mà họ không thể kiểm soát. Tuy nhiên, Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), đơn vị đang quản lý và điều hành các giải chuyên nghiệp, lại có vẻ hân hoan. Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng nói: “Cầu thủ, HLV được bảo đảm về tương lai và đội bóng không bị giải thể”. Theo ông Thắng, V-League sẽ phải cố gắng hết sức để giữ nguyên được 14 đội như hiện nay ở mùa giải 2013. Nếu phải cắt giảm số đội dự giải, chắc chắn tiền tài trợ mà VPF nhận từ những nhà bảo trợ và các đối tác cũng bị ảnh hưởng.
Hải Phòng chờ ... Giám đốc điều hành CLB Vicem Hải Phòng Cao Trường Giang cho biết: “Navibank Sài Gòn cũng là một trong những sự lựa chọn của chúng tôi. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn phải chờ lãnh đạo TP”. Theo ông Phạm Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hải Phòng, UBND TP quyết định vẫn sẽ giao cho Công ty Xi măng Hải Phòng quản lý đội bóng. Ngân sách cho đội hoạt động do công ty lo, TP chỉ hỗ trợ về cơ chế. Lãnh đạo công ty đang khẩn trương tìm đối tác để mua suất thi đấu V-League theo chỉ đạo của lãnh đạo TP. Vướng mắc hiện nay nằm ở chỗ không đội bóng nào muốn chuyển giao tất cả cầu thủ cho Hải Phòng. Ngay cả công ty vừa mua Navibank Sài Gòn cũng khẳng định sẽ giữ lại những ngôi sao sáng giá nhất cho Sài Gòn Xuân Thành. Theo một nguồn tin, ông bầu Đỗ Quang Hiển đã hạ giá đội Hà Nội (vừa thăng hạng V-League) từ 40 tỉ xuống 30 tỉ đồng nhưng Hải Phòng vẫn “dùng dằng chưa quyết” do phía Công ty Xuân Thủy “chào” giá thấp hơn. |
Bình luận (0)