Chưa có biểu hiện bất thường nào?!
Tại phiên giải trình, đại diện Bộ Công Thương cho biết đến thời điểm này, đối với 10 khe nhiệt có độ thấm lớn, sau khi xử lý, lưu lượng thấm chỉ còn 0,02 lít/giây (giảm 99,9%), vượt yêu cầu đặt ra cho phương án xử lý thấm.
Với 20 khe nhiệt có độ thấm nhỏ, sau khi xử lý, lưu lượng thấm đo được là 0,015 lít/giây. Đối với nền đập, lưu lượng thấm sau khi xử lý đã giảm 24%. Sau khi xử lý, ở mức nước hồ 144 m, tổng lưu lượng thấm qua thân đập giảm 89,4% so với trước đó, vượt yêu cầu đặt ra.
Tiếp tục “bảo vệ” công trình, bất chấp sự lo lắng của hàng vạn người dân hạ lưu, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1, ông Nguyễn Tài Sơn, một mực khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 được thiết kế chịu động đất cực đại với mức nước 161 m. “Đập sông Tranh 2 vẫn trong giới hạn an toàn và có thể tích nước an toàn trong mùa lũ sắp tới” - ông Sơn quả quyết.
Với việc khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn dù có động đất lớn, Hội đồng Nghiệm thu EVN cho rằng công tác xử lý giảm lưu lượng thấm qua đập này là đạt yêu cầu thiết kế và đủ điều kiện tích nước trở lại theo quy trình tích nước và vận hành hồ chứa đã được phê duyệt.
Đập vỡ, dân chạy đâu?
Trước sự tự tin của EVN, PGS Phan Văn Quýnh, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định: “EVN đã tạo ra động đất chứ không phải do tự nhiên. Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, Bộ Xây dựng kết luận an toàn nhưng tôi nói thẳng là công trình Sông Tranh 2 không an toàn”.
Ông Quýnh cho biết ở Bắc Trà My, nơi đặt thủy điện Sông Tranh 2, có những đới đứt gãy nhưng khi thiết kế công trình đã không nghiên cứu địa chất đến nơi đến chốn nên mới đặt đập chắn trên nền móng không bền vững. “Xây trên nền móng yếu, thậm chí còn dẫn đến trôi cả thân đập” - ông Quýnh phản bác.
Gay gắt và lo lắng hơn, GS-TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nói thẳng: “Thông tin mà EVN đưa ra là không trung thực. Trong một ngày xảy ra 7 lần rung chấn thì chắc chắn đập đã tăng tích nước lên nhưng các nhà khoa học lại không được cung cấp thông tin đầy đủ. Nếu đập vỡ thì dân chạy đâu?”. GS-TS Vũ Trọng Hồng cho rằng việc vỡ đập không dễ nhưng có thể vỡ 2 vai của thủy điện do mỏng. Vì thế, cần tạm dừng tích nước trong một năm để nghiên cứu. Tán đồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT Võ Tuấn Nhân đề nghị phải dừng việc tích nước cho đến khi nào bảo đảm tuyệt đối an toàn...
GS-TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước, cho rằng thủy điện Sông Tranh 2 có vấn đề. Đó là đập có thể vỡ do ứng xuất bên trong, trong khi việc chống thấm mới tiến hành ở thượng lưu, chưa khắc phục chất lượng đập. “Chất lượng của đập hiện vẫn là câu hỏi lớn. Các báo cáo mới chỉ trên giấy, dựa trên các thông số kỹ thuật thiết kế để tính toán khả năng hứng chịu động đất” - ông Phạm Hồng Giang lo ngại.
Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Lê Đình Tiến cho biết hiện đã hoàn thành 1 trạm quan trắc để theo dõi tình hình động đất ở khu vực Sông Tranh 2; 4 trạm còn lại đang triển khai, trong tháng 10 sẽ xong và đề nghị EVN sớm triển khai lắp đặt 2 máy gia tốc. Tuy nhiên, theo ông Tiến, dưới tác động của biến đổi khí hậu, việc dự báo các hiện tượng là rất khó, kể cả các nước tiên tiến như Nhật Bản.
“Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam xảy ra hiện tượng động đất kích thích có tần suất cao và phức tạp. Do vậy, cần tiếp tục theo dõi, đánh giá nghiêm túc sự ảnh hưởng tới thủy điện Sông Tranh 2 và khu vực Bắc Trà My. Đồng thời cần xác định rõ nguyên nhân, cơ chế hoạt động và xu thế phát triển của động đất kích thích khu vực thủy điện Sông Tranh 2” - ông Tiến yêu cầu.
Ngủ không yên giấc vì lo lắng
Đại biểu Quốc hội, PGS-TS Bùi Thị An thẳng thắn: “Một người đi tù không thể đền cho tính mạng của hơn 1.400 hộ dân. Phải xác định rõ trách nhiệm, quy trách nhiệm trước dân chứ không thể đưa ra một lời hứa để chịu trách nhiệm với hàng ngàn tính mạng người dân được”. Đồng tình, ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Văn Minh cho biết qua tiếp xúc cử tri, ông thấy dân ngủ không yên giấc vì lo lắng. Thiệt hại sẽ không thể đo đếm hết nếu sự cố xảy ra. Ông đề nghị các cơ quan phải có biện pháp để khẳng định đập thủy điện bảo đảm chịu đựng động đất. |
Bình luận (0)