Điển hình là Bộ Công Thương đã trình Chính phủ giải pháp bảo lãnh tín dụng cho các DN lớn. Cụ thể, bộ này đề nghị Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài dài hạn 10 năm cho Tập đoàn Than - Khoáng sản có tiền đầu tư phát triển mỏ mới, tăng giá bán than cho điện và giảm 10% thuế xuất khẩu than. Tập đoàn Điện lực Việt Nam được Bộ Công Thương xin Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan đứng ra đàm phán với Ngân hàng (NH) Thế giới, NH Phát triển Châu Á để đáp ứng vốn cho các công trình nguồn điện.
Dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 cũng được Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ chỉ đạo NH Phát triển Việt Nam và NH Công Thương tiếp tục cho vay bổ sung đối với phần vốn tăng thêm của dự án này. Dự án bột giấy Phương Nam của Tổng Công ty Giấy Việt Nam được đề xuất cổ phần hóa nâng vốn Nhà nước sở hữu lên 30% - 50% giá trị nhà máy, giao Bộ Tài chính tiếp tục ứng vốn từ quỹ tích lũy trả nợ gốc và lãi cho NH, bảo lãnh cho đến khi nhà máy đi vào sản xuất, trích được khấu hao mới trả nợ…
Ở diện rộng hơn, Bộ Công Thương còn đề xuất Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế chỉ định thầu đối với DN trong nước có kinh nghiệm, năng lực thực hiện các công trình và hạng mục công trình có nguồn vốn Nhà nước từ 30% tổng mức đầu tư trong thời hạn đến hết quý II năm sau...
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, giải pháp của Bộ Công Thương mang tính cục bộ, chủ yếu là để cứu DN trong ngành chứ không phải dành cho cộng đồng DN nói chung. Trong đó, có những giải pháp dễ dẫn đến hiện tượng xin - cho, không có lợi cho nền kinh tế.
Đáng lưu ý, đây lại là khu vực kinh tế đang mắc nợ nhiều. Theo số liệu của NH Nhà nước, tổng dư nợ của khu vực DN Nhà nước khoảng 100.000 tỉ đồng. Theo Bộ Tài chính, mặc dù nắm giữ nguồn lực quan trọng của đất nước nhưng hiệu quả và sức cạnh tranh của các DN Nhà nước còn thấp; một số tập đoàn, tổng công ty tiềm ẩn nguy cơ rủi ro mất cân đối tài chính, thua lỗ kéo dài. Từ thực trạng này, Bộ Tài chính cho rằng cần chấm dứt các ưu đãi về tài chính, tín dụng đối với các DN Nhà nước.
Bình luận (0)