Ngày 21-10, tiếp tục phiên họp thứ 6, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã xem xét báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT).
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, cho biết 9 tháng đầu năm 2012, 3 tiêu chí quan trọng là số vụ vi phạm, số người chết, số người bị thương đều giảm sâu, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TPHCM đã có chuyển biến rõ rệt. Cụ thể, cả nước đã xảy ra 23.619 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.908 người, bị thương 25.002 người. So với cùng kỳ năm 2011, giảm 9.360 vụ, 1.502 người chết và 10.634 người bị thương. Tuy nhiên, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao.
Trước báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng tình trạng tai nạn giao thông vẫn rất phức tạp, số vụ thương vong thảm khốc vẫn xảy ra nhiều mà “thủ phạm” chính vẫn là xe khách và xe tải.
Ông Nguyễn Anh Sơn (Đoàn Đại biểu Quốc hội Nam Định) đặt vấn đề: “Báo cáo có lạc quan quá không? Tôi cho rằng việc giữ được 3 tiêu chí trong năm 2013 là điều không đơn giản”. Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai Trần Đình Thu cũng bày tỏ băn khoăn với việc hạ số vụ tai nạn giao thông và số người chết, bị thương trong năm sau. Theo ông Thu, Bộ GTVT vẫn chưa đề ra được biện pháp căn cơ mà chỉ dùng áp lực, tăng cường cả chiến sĩ không phụ trách giao thông ra đường để có được kết quả như vừa qua. Hơn nữa, số người chết có giảm nhưng chưa phân tích nguyên nhân sâu xa của các vụ tai nạn thì khó mà có biện pháp hữu hiệu.
Ông Hồ Trọng Ngũ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đề nghị cần có chiến lược về phương tiện giao thông cho phù hợp, cũng như tỉ lệ các loại phương tiện và phối hợp giữa giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt. Đại tá Đặng Ngọc Nghĩa, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 4, cho rằng Bộ GTVT và Bộ Công an cần có chế tài đối với việc quản lý xe khách để tránh các vụ tai nạn thảm khốc như thời gian qua. “Địa phương nào để xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm” - ông Nghĩa đề xuất.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Tư lệnh Quân khu 9, phải xem ATGT là 1/20 tiêu chí thi đua của tỉnh, cơ quan, đơn vị. “Người chỉ huy phải mạnh dạn nhận trách nhiệm, xem đây là một nhiệm vụ chính trị” - ông Tỷ nói. Ông Tỷ cho rằng trách nhiệm giáo dục, tuyên truyền về ATGT là của Nhà nước nên không chỉ các bộ GTVT, Công an… mà Bộ GD-ĐT và Bộ Thông tin - Truyền thông cũng phải vào cuộc.
Bình luận (0)