Ông Thanh khẳng định nước vẫn đang tích và động đất kích thích là do hồ chứa nước của thủy điện, vì thế không nên cho tích nước thêm. “Có phải do tiết kiệm đầu tư hay vì lý do nào đó mà chủ đầu tư đã không thiết kế cửa xả đáy? Nếu có cửa xả đáy thì trong hoàn cảnh hiện nay có thể xả nước ra xem có còn động đất kích thích không” - ông Thanh nhìn nhận.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Võ Tuấn Nhân cho rằng mỗi lần tích nước là xảy ra động đất, nổ dưới lòng đất, trong khi chủ đầu tư cứ nói động đất kích thích sẽ giảm dần cường độ nhưng thực tế xảy ra ngược lại khiến dân cực kỳ lo ngại. “Việc quan trọng hiện nay là phải làm sao để dân yên lòng và bảo đảm an toàn cho dân. Cần theo dõi thủy điện Sông Tranh 2 thêm một thời gian, nếu cứ tiếp tục động đất, nổ thì bỏ luôn. Tốn kém thì cũng đau xót nhưng nếu không kiên quyết thì còn xảy ra những chuyện đau xót hơn”- ông Nhân nói.
Theo ông Nhân, hiện có hai việc phải làm: một là, xác định chất lượng đập, đề ra phương án sửa chữa; hai là, nghiên cứu động đất và quan hệ giữa động đất với công trình. Nếu kết luận an toàn ngay là thiếu trách nhiệm với dân.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng: “Tình hình đã quá khẩn cấp. Chính phủ phải triệu tập các bộ, ngành liên quan để làm rõ nguyên nhân, cần thì mời chuyên gia nước ngoài về động đất. Sai rồi thì tìm ra nguyên nhân và mạnh dạn sửa. Việc này liên quan đến sinh mệnh của trên 1.000 hộ dân nên thiệt hại khó đong đếm hết”.
Bình luận (0)