Thoạt nghe đến món “chuột bay” khìa nước dừa chắc nhiều người trợn mắt, nhăn mặt… vì dơi đen đúa, hôi hám và kinh dị thì làm sao ăn được. Tuy nhiên, đây là món ăn dân dã được ưa chuộng ở miệt Tháp Mười quê tôi, đặc biệt là dân nhậu.
Trong các món được làm từ dơi như luộc, nướng, chiên… thì món dơi khìa nước dừa được xem là ngon nhất.
Những lần về thăm nhà, biết tôi thích món dơi khìa nước dừa, ba tôi hay tranh thủ đêm trước bắt dơi thật nhiều để chế biến món khoái khẩu này cho tôi ăn. Món ăn thì làm khá đơn giản, nhưng để bắt được dơi thì thật là kỳ công.
Ở miệt Tháp Mười, người dân thường trồng lúa và cây nhãn, kể cả gia đình tôi. Nhãn là thứ trái cây khoái khẩu của dơi, nên cứ vào ban đêm là chúng hay bay đi tìm ăn.
Để ngăn chặn lũ “chuột bay” phá bĩnh, người dân ở đây hay dùng lưới nhựa để bao trùm cả khu vườn nhãn, hoặc bọc các cành nhãn sai trái cho dơi khỏi tiếp cận.
Để bắt được nhiều dơi thì trước tiên phải tìm một con dơi mồi, giống như chim mồi vậy. Ngoài ra còn phải có cái vợt để bắt dơi. Vợt được làm bằng một cây tre dài độ bốn mét, thẳng, đầu lớn dùng để cầm, đầu nhỏ được cặp vào hai vòng sắt như vợt cá dưới sông và đan lưới vào (phải là lưới chài cá mới chắc ăn, vì dơi có răng rất sắc nhọn).
Sau đó chọc cho chú dơi mồi kêu to lên, âm thanh này làm cho đồng bọn nghe thấy tưởng gặp thức ăn ngon nên bay đến tới tấp. Lúc này người cầm vợt chỉ cần lùa vào là được cả một bầy dơi béo núc.
Cứ thế, mỗi lần vợt sẽ thu được vài chục con, ít hơn cũng khoảng mười con, vì dơi hay bay theo đàn chứ không đánh lẻ.
Sau vài lần vợt, trong giỏ đã đầy ắp với nhiều tiếng kêu chit chit nghe thật vui tai. Những con dơi sen to tròn, mũm mĩm vì được nuôi dưỡng bằng thứ trái cây nguyên chất sẽ được sơ chế như chuột đồng. Tức là lột bỏ da, đầu và cánh, chỉ chừa phần thân mình dơi thôi. Ngoài ra cần phải bỏ hạt sạn hôi hai bên nách của dơi, nếu không sẽ phá hỏng món ngon này.
Bước kế tiếp quan trọng nhất trong quy trình làm món dơi khìa là phần ướp và khìa. Nó đòi hỏi người làm phải khéo tay ướp sao cho vừa ăn và khìa sao cho đều tay để không khét mà phải vàng hươm.
Mẹ tôi là người chế biến món này rất ngon. Mẹ thường hay làm cho ba và anh hai tôi nhậu với khách. Hoặc thỉnh thoảng ăn thịt cá ngán, mẹ làm món này để bữa ăn thêm phần đa dạng và lạ miệng.
Cũng như ướp khìa các món khác, mẹ tôi chỉ việc cho đường, tỏi băm nhuyễn, bột ngọt, xì dầu, ngũ vị hương… vào những chú dơi đã được sơ chế. Mẹ trộn đều và để khoảng 15-30 phút cho dơi thấm đều rồi mới đem lên bếp khìa. Mẹ cho một ít dầu ăn lên chảo nóng, bỏ tỏi vào phi cho thơm rồi cho dơi vào chảo. Khoảng 2-3 phút sau, mẹ cho nước vào và bắt đầu khìa.
Để được màu khìa vàng hươm thì cần phải chọn nước dừa xiêm hoặc nước dừa có cơm hơi cứng, như thế mới ngon ngọt và thịt dơi mau mềm (nếu dùng nước dừa non sẽ chua).
Để món khìa không bị khét, mẹ tôi phải để cho lửa riu riu và dùng sạn đảo dơi đều liên tục, không thể bỏ đi đâu được. Khi chảo đã cạn nước, các chú “chuột bay” vàng hươm, mướt mịn, thơm phưng phức thì có thể tắt lửa và dọn lên bàn dùng.
Món dơi khìa được ăn kèm với nhiều loại rau sống, tùy theo sở thích của mọi người. Trên đĩa dơi khìa, mẹ tôi không quên rải một lớp mỏng đậu phộng rang giã nhuyễn và vài cọng ngò rí cho đẹp mắt, góp phần làm món ăn thơm ngon hơn. Món này được dùng nóng với bánh mì, bún và nước mắm tỏi ớt; hoặc đơn thuần là ăn không chấm với muối tiêu chanh cũng ngon đáo để (dân nhậu rất thích kiểu này).
Ngoài món dơi khìa nước dừa ra, thỉnh thoảng mẹ tôi còn làm các món luộc sả, nấu cà ri, xào lá cách… cũng không kém phần hấp dẫn.
Trong cái lạnh se se của mùa nước nổi, được quây quần bên gia đình dùng món dơi khìa nước dừa, vừa đưa tay đập muỗi thật là ấm cúng và hạnh phúc. Bữa ăn dường như bất tận khi nụ cười cứ mãi nở trên gương mặt của mỗi thành viên.
Mỗi lần về thăm nhà, được ngồi nghe ba mẹ kể chuyện chế biến các món ăn từ chú “chuột bay” đến nỗi tôi đâm ra thuộc lòng công thức. Rồi ba mẹ cứ dặn đi dặn lại cái câu nói bất hủ mà những người già thôn quê hay dặn dò con cháu: “Dù có đi đâu, ở đâu, ăn các món sơn hào hải vị xứ người thì cũng đừng quên những món ăn dân dã quê mình, nghe con!”. Câu nói ấy luôn là bài học không bao giờ cũ đối với những sinh viên xa nhà như tôi!
Bình luận (0)