Một số hình ảnh và nội dung truyện cổ tích cải biên
Đừng tưởng ngưng phát hành là xong
“Tấm! Tao cấm mày xào nấm với giấm rồi cơ mà? Đầu mày có bị ấm không? Cẩn thận tao cho vài đấm”, “Tấm! Mày hâm à? Mày câm à? Sao mày đâm thủng cái mâm?”, “Kể từ ngày đó, sau mỗi bữa ăn Tấm đều lén trút một bát cơm nóng hổi vào yếm và nhảy tưng tưng ra ngoài giếng…”. . Đây là một trong những lời thoại ít phản cảm nhất kèm minh họa “gây choáng” của truyện cổ tích cải biên Tấm Cám đang “phát tán” mạnh mẽ trở lại trên các trang mạng. Kéo theo đó, dư luận cũng điểm lại, chỉ trích những chi tiết làm mới biến dạng cổ tích trong bộ truyện đã từng được xuất bản trước đó.
Tuy nhiên, ngoài Tấm Cám nói trên thì những dẫn chứng của bạn đọc về cách thể hiện lời thoại “nhí nhố, khó chấp nhận” của bộ truyện tranh được Artsign phát hành chính thức cũng vô cùng phong phú. Nhiều chi tiết đã được phản ánh trong loạt bài Sách đen bao vây trẻ em trước đây cũng góp phần minh chứng rằng độc giả hoàn toàn có lý do để lên án bộ truyện cải biên không phù hợp với những chuẩn mực giá trị truyền thống này.
Ông Nguyễn Thế Truật, Phó Giám đốc NXB Trẻ - đơn vị đầu tiên hợp tác với Artsign in ấn bộ truyện cổ tích cải biên, cho biết đơn vị đã ngừng hợp tác từ năm 2010. Sau này, Artsign phối hợp với NXB Giáo dục và Công ty Cổ phần Đầu tư Phương Nam thực hiện tiếp nhưng cũng không đạt kết quả khả quan, lại bị dư luận lên án. Ông Vương Quốc Thịnh cho biết sau đó đơn vị cũng không tiếp tục phát hành bộ truyện này.
Nhưng không phải ngưng phát hành là xong, sự lan truyền trên mạng là một minh chứng.
Không bị thu hồi mới lạ!
Xôn xao không kém trong thời gian gần đây là bài văn hóa thân vào nhân vật Cám kể lại câu chuyện cổ tích này, được một học sinh thể hiện bằng ngôn ngữ “rất gần” với truyện tranh cải biên: “Đang chơi hội vua ban lệnh thử giày, mẹ và tôi cùng thử nhưng giày con nào mà bé thế, bố tao cũng không ních vào được… Đến ngày giỗ bố nó cũng biết đường vác mặt mà về. Bây giờ oai như cóc rồi, bà sẽ cho mày một phen”.
Theo đại diện Công ty Phát hành sách TPHCM (FAHASA), ngay khi dư luận lên tiếng phản đối bộ truyện vào năm 2010, đơn vị đã trả toàn bộ các bản sách về cho đơn vị sản xuất. Ông Vương Quốc Thịnh vẫn cho rằng bộ truyện có đầu ra khá tốt, hiện tại đã bán hết trên thị trường.
Nếu so với Sát thủ đầu mưng mủ - đã phải tạm thu hồi vì áp lực dư luận trước đây - thì những ảnh hưởng, hệ lụy của bộ truyện tranh cổ tích cải biên còn hơn gấp nhiều lần.
Bà Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Công ty Chibooks, lên tiếng: “Mỗi thể loại sách đều hướng phục vụ cho một đối tượng nhất định. Luật Xuất bản đến nay vẫn có những quy định, tiêu chí cụ thể về việc thu hồi một đầu sách nhưng tôi cho rằng với một xuất bản phẩm sai lệch giá trị truyền thống, ảnh hưởng đến nhận thức thế hệ thì thu hồi là điều cần làm”.
Bình luận (0)