Khách hàng ngồi chờ được kiểm định, ép bao bì vàng SJC tại Công ty SJC ngày 24-10. Ảnh: THÁI PHƯƠNG
• Phóng viên: Thời gian vừa qua, liên tục xuất hiện vàng miếng nhái thương hiệu SJC, ông nhận xét gì về tình trạng này?
- Ông Lê Hùng Dũng: Lo ngại thì có bởi trước đây không xuất hiện tình trạng vàng nhái SJC nhiều, nhưng người dân không nên hốt hoảng. Hiện chúng tôi đã báo cáo lên cơ quan công an, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để tìm cách xử lý và các cơ quan này đang triển khai. Người mua vàng, có vàng SJC nên bình tĩnh. Giải pháp hiện nay là người dân mua vàng ở đâu nên đến đó bán, tốt nhất là đến các đại lý của SJC để được kiểm định (miễn phí). Nếu dính phải vàng nhái thì đến chỗ đã mua để được giải quyết. Với những người mua vàng từ lâu, xác suất vàng giả sẽ ít hơn bởi thực tế vàng giả SJC chỉ xuất hiện nhiều khoảng vài tháng nay. Chúng tôi tính đề xuất phương án mua vàng nhái SJC rồi bù chênh lệch cho người dân, nhưng đồng ý hay không tùy thuộc cơ quan quản lý vì Công ty SJC giờ chỉ là đơn vị gia công, còn quyền sở hữu thuộc Nhà nước.
• Vì sao vàng nhái SJC xuất hiện nhiều thưa ông?
- Vàng nhái SJC thực ra đã xuất hiện trước đây, khoảng năm 2010. Nhưng khi đó, SJC phát hiện ra những điểm khác biệt giữa vàng nhái - vàng thật đã hướng dẫn cho công chúng biết nên đối tượng làm vàng nhái liền khắc phục, điều chỉnh giống hệt. Giờ vàng nhái tái xuất bởi chênh lệch với giá thế giới cao, khiến các đối tượng liều lĩnh lấy vàng nguyên liệu dập lại hiệu SJC rồi bán ra thị trường hưởng chênh lệch khoảng 2-3 triệu đồng/lượng.
• Liệu giải pháp đổi bao bì mới mà SJC đang áp dụng để hạn chế vàng miếng nhái có hiệu quả?
- Phần lớn vàng nhái SJC là từ bao bì cũ, nếu đối tượng làm vàng giả muốn sản xuất loại bao bì mới có màng hologram phải tìm hiểu rất lâu và tốn khá nhiều tiền bạc. Bởi khi chúng tôi chuyển sang bao bì mới chống giả đã phải đầu tư rất nhiều vốn.
Cơ chế “xin - cho” làm khổ người dân
• Liên quan đến vàng SJC móp méo, trước đây vẫn giao dịch bình thường, nay người dân bán vàng móp méo thì bị trừ tiền dập lại. Ông thấy có vô lý không?
- Khi SJC còn là sở hữu của công ty, đây là nghiệp vụ bình thường vì khách hàng mua vàng trong quá trình vận chuyển, cất giữ có thể móp méo, cong vênh, rách bao bì. Khi đó, SJC kiểm tra nếu đúng chất lượng vàng sẽ đổi ngay cho người dân, chỉ gia công, đóng lại bao bì. Nay thương hiệu SJC do NHNN quản lý, có thể do nghiệp vụ yếu kém nên đùn đẩy trách nhiệm. Kết quả là công ty SJC đang phải tồn kho 600 tỉ đồng loại vàng SJC móp méo, giờ phải xin NHNN dập lại. Nhưng xin cũng không dễ dàng, không phải lúc nào cũng được dập lại.
• Từ khi SJC trở thành thương hiệu quốc gia mới phát sinh những bất cập này, phải chăng vì độc quyền?
- Trước đây, khi 6 thương hiệu vàng miếng như SJC, PNJ, SBJ, Bảo Tín Minh Châu, AAA... còn kinh doanh bình thường, nhiều doanh nghiệp than thở rằng SJC dập vàng quá chậm, không cung ứng đủ vàng SJC cho họ bán ra thị trường. Thời điểm đó, các thương hiệu khác đều có máy dập vàng, tại sao lại đem vàng qua SJC nhờ gia công giùm? Đơn giản vì người dân chuộng vàng SJC. Cuối cùng, NHNN chọn SJC trở thành thương hiệu quốc gia vì vị thế độc quyền tự nhiên chứ không phải SJC muốn độc quyền! Chúng tôi không độc quyền mà người dân chọn SJC!
• Vậy có nên kéo dài việc độc quyền vàng miếng SJC đang làm phát sinh cơ chế “xin - cho” nhiều bất cập hiện nay?
- Đây là quản lý Nhà nước dở chứ không phải cơ chế độc quyền, chính sách bất cập, thiếu kinh nghiệm trong cách quản lý. Giờ nếu có mở lại các thương hiệu khác được giao dịch, người dân cũng vẫn chọn SJC! Biểu hiện của quản lý kém là việc xử lý vàng SJC móp méo. Nếu cứ tiếp tục “xin - cho” thế này, chúng tôi sẽ ngưng mua vàng móp méo!
• Dư luận cho rằng NHNN không muốn cho dập lại vàng SJC móp méo một cách thoải mái là đề phòng nguy cơ hợp thức hóa vàng nhập lậu?
- NHNN lo ngại nhân cơ hội này, doanh nghiệp sẽ hợp thức hóa vàng lậu. Vậy chỉ cần lập một tổ giám sát gồm: công an, thanh tra giám sát và SJC để nhanh chóng giải phóng lượng vàng SJC móp méo này. NHNN cần sớm có chính sách nhất quán về việc này, không nên để kéo dài. NHNN phải có trách nhiệm với doanh nghiệp và người dân, không thể “đổ lên đầu” doanh nghiệp như vậy. Thực tế, SJC cũng không dám dập vàng lậu bởi thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều lợi nhuận kiếm được.
Đổ xô ép bao bì mới chống giả vàng SJC Ngay sau khi SJC thông báo áp dụng loại bao bì hologram mới chống giả cho vàng miếng SJC, nhiều người đã đổ xô đến ép bao mới. Theo SJC, loại bao bì hologram là giải pháp khá tốt nhằm chống vàng nhái SJC, nên dù các loại vàng miếng bao bì cũ vẫn có giá trị lưu hành song song nhưng người dân vẫn tốn thời gian, chi phí 5.000 đồng/lượng ép bao bì mới. Ngày 24-10, trong dòng người kéo đến SJC kiểm định, ép bao bì mới có cả người dân, chủ tiệm vàng và nhân viên các ngân hàng. Theo thống kê của SJC từ đầu tháng 7 đến nay, TPHCM phát hiện khoảng 80 lượng vàng nhái còn tại Hà Nội con số này lên đến 300 lượng. SJC khuyến cáo người dân khi mua vàng miếng nên chọn nơi bán có uy tín và yêu cầu xuất hóa đơn tài chính, ghi số sê-ri miếng vàng nếu là loại 1 lượng, 5 chỉ.
T.Phương |
Bình luận (0)