Trái ngược với thời kỳ lãi đậm, lương cao, quý III năm nay, nhiều ngân hàng (NH) đều công bố lợi nhuận thấp. Thậm chí, nhiều NH còn dự kiến cuối năm không đạt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Ngấm khủng hoảng
Ở khối NH TMCP Nhà nước, VietinBank khẳng định “đạt lợi nhuận cao nhất ngành NH” và “là một trong số ít NH hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận năm 2012” với con số ấn tượng lần lượt là 6.000 tỉ đồng (lợi nhuận trước thuế) và 4.556 tỉ đồng (lợi nhuận sau thuế). Tuy nhiên, NH này cũng phải cắt giảm 45% chi phí hoạt động cho nhân viên. Vietcombank cũng vừa công bố lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm là 3.237 tỉ đồng nhưng đây rất có thể là năm đầu tiên NH này không cán đích lợi nhuận mục tiêu, mặc dù đã phải cắt giảm 7% chi phí nhân viên...
Ngoại trừ VietinBank, nguyên nhân sụt giảm lãi của các NH chủ yếu là do không đẩy mạnh được cho vay. Tuy tăng trưởng GDP của nền kinh tế đã khá hơn, quý sau luôn cao hơn quý trước và dự báo cả năm đạt khoảng 5,2% nhưng tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống NH 9 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 2,5%, cách xa so với mục tiêu kỳ vọng (đã được điều chỉnh xuống gần một nửa) là 8%. Nợ xấu tăng cao, các NH đều phải tập trung kiểm soát chất lượng tín dụng thay vì đẩy mạnh cho vay để chạy theo lợi nhuận. Bên cạnh đó, nợ xấu đang thực sự bào mòn tài sản khi nhiều NH phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Hậu quả của tín dụng dễ dãi
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, cuối năm nay, nếu có NH thành thật báo lỗ cũng không phải chuyện lạ. Từng là thống đốc NH Nhà nước và hiện nay là Chủ tịch HĐQT DongA Bank, TS Cao Sỹ Kiêm cho biết kết quả kinh doanh trên đã cho thấy NH tránh khỏi việc phải giảm chỉ tiêu lợi nhuận cùng với giảm thu nhập của cán bộ, nhân viên.
Bên cạnh việc giảm lợi nhuận từ thu nhập lãi thuần, các nguồn thu khác cũng giảm mạnh, thậm chí trở thành gánh nặng. Đơn cử Lienviet Postbank, hoạt động ngoại hối đã đem về khoản lỗ 15 tỉ đồng còn ở ACB, mảng kinh doanh vàng đã lỗ 1.251 tỉ đồng chỉ trong quý III.
Việc giảm lãi của các NH một phần còn có nguyên nhân từ mệnh lệnh giảm lãi suất cho vay xuống 15% của NH Nhà nước. Song, TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng sự trùng hợp này không có nghĩa là kết quả của việc NH chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp. Bởi, nếu thực sự chia sẻ thì lãi suất đã phải giảm sâu hơn và nhanh hơn.
Một chuyên gia kinh tế khác khẳng định thời kỳ khó khăn của NH hiện nay là hậu quả của thời kỳ tín dụng dễ dãi trước đây. Lãi suất hiện nay chưa phải lãi suất thị trường, vẫn rất cao so với nguyên tắc lãi suất thực dương nhưng không giảm được vì NH vướng nợ xấu và thanh khoản kém nên cũng phải vay mượn nhau trên thị trường 2 với giá cao. Trong khi đó, doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng “cháy nhà 2 đầu” khi hàng không bán được, không trả được nợ đúng hạn phải chịu lãi phạt.
Ngừng huy động vàng, thanh khoản sẽ căng Theo Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), một cuộc chạy đua mới về lãi suất tiền gửi đã diễn ra ở một số NH trong thời gian gần đây nhằm bảo đảm thanh khoản. Thị trường tài chính đang chờ đợi những thông tin từ NH Nhà nước về việc chấm dứt huy động vàng sau ngày 25-11. BVSC cho rằng nếu các NH thương mại phải chấm dứt huy động vàng thì thanh khoản của hệ thống NH có thể sẽ căng thẳng trong ngắn hạn. Bởi trước đây, đã có nhiều NH huy động vàng với lãi suất thấp, sau đó chuyển sang VNĐ và cho vay với lãi suất cao hơn để hưởng chênh lệch. Khi ngừng huy động vàng, các NH này sẽ mất đi một kênh huy động vốn đáng kể.
Th.Thơ |
Bình luận (0)