Liên hoan Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012 diễn ra tại TP Biên Hòa - Đồng Nai đã đi được 2/3 chặng đường, thu hút đông khán giả đến xem mỗi ngày 2 suất. Không như lo ngại ban đầu của nhiều người, cải lương đề tài đương đại vẫn có sức hút nếu biết đo thị hiếu, nhu cầu của người xem.
Sáng tạo của những tên tuổi
Sự so kè giữa 22 đơn vị (18 đơn vị công lập, 4 ngoài công lập) với 27 vở diễn đã cho thấy một tín hiệu vui là hầu hết đều mang vở mới tranh tài. Liên hoan vì vậy đã tạo được sinh khí cho cả nghệ sĩ lẫn công chúng mộ điệu. Trong 27 vở tham dự, phần lớn đều do những tài năng tên tuổi có uy tín dàn dựng, như: NSND Trần Ngọc Giàu dựng vở Nói dối là trọng tội (Đoàn Nghệ thuật Tây Ninh), vở Dòng nhớ (Đoàn Cải lương nhân dân Kiên Giang); NSND Giang Mạnh Hà dựng vở Vượt qua tâm bão (Đoàn Cải lương Đồng Nai), Biển và bờ (Đoàn Cải lương Hải Phòng); NSƯT Hoa Hạ dựng vở Cội nguồn và sám hối (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang); NSƯT Hoàng Quỳnh Mai (từng tạo ấn tượng mạnh với vở diễn đoạt 1 trong 3 chiếc HCV dành cho vở diễn tại hội diễn năm 2009) có đến 3 vở diễn mới: Nguồn sáng phía chân trời (Nhà hát Cải lương Hà Nội), Người đàn bà mười ba bến nước (Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh), Vú cát (Nhà hát Cải lương Việt Nam); NSƯT Triệu Trung Kiên với Trở về miền sáng (Đoàn Cải lương Thanh Hóa) và Mê cung (Nhà hát Cải lương Việt Nam); NSƯT Hữu Lộc dựng vở Phố an cư (Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An); đạo diễn Lê Nguyên Đạt dựng vở Cơn hồng thủy (CLB Sân khấu - Xã hội hóa Sen Việt của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM)…
Những thể nghiệm mang tính đột phá do Nhà hát Cải lương Việt Nam mang đến với vở Mê cung
Dù cuộc chơi bị giảm mất 50% yếu tố hấp dẫn khi chỉ tập trung vào đề tài đương đại nhưng một số bản dựng của các đạo diễn sử dụng trình thức vũ đạo của đề tài lịch sử, dân gian và hiệu quả đã làm tươi thêm phần nội dung vở diễn.
Nổi bật là 2 vở Mê cung (đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên - Nhà hát Cải lương Việt Nam) và Giọng hò Đồng Tháp (đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc, Trần Thắng Vinh - Đoàn Văn công Đồng Tháp) kết hợp thật hài hòa tính hiện đại và truyền thống, nâng giá trị thẩm mỹ của nghệ thuật cải lương lên một tầm cao mới. Vở Mê cung tạo được hấp dẫn nhờ tài năng ca diễn của đội ngũ nghệ sĩ.
Vở Giọng hò Đồng Tháp mượn hình tượng cây lúa phát triển trên đất phèn để nói lên tình người, tình đất trong việc giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc mà chỉ có vũ đạo dân gian và trình thức cổ truyền trong âm nhạc, múa mới tải hết những giá trị cao quý đó.
Các nghệ sĩ Đoàn Hương Tràm - Cà Mau sau suất diễn vở Một phút, một thời
Thể nghiệm chưa tới
Mặt hạn chế của liên hoan là cách dựng của một số đạo diễn vẫn theo lối mòn, như các vở: Món nợ vùng ven, Ma lực đồng tiền, Dậu mùng tơi gãy dập… Phần âm nhạc vẫn chưa tạo được tính đột phá, bài bản khó vẫn ít thấy sử dụng dù tính thể nghiệm luôn đòi hỏi các tác giả phải thoát khỏi những khuôn khổ quen thuộc.
Đông đảo nghệ sĩ, khán giả đã đến tặng hoa và chúc mừng các nghệ sĩ Đoàn cải lương Văn Công Đồng Tháp
Vừa mang tính hiện đại, vừa kế thừa bản sắc dân tộc, vở Giọng hò Đồng Tháp của Đoàn Văn công Đồng Tháp đã nhận được tình cảm của khán giả
NSƯT Minh Mẫn - trưởng Đoàn Văn công Đồng Tháp và các diễn viên trẻ của đoàn
Cảnh trí ở mùa liên hoan năm nay đã thấy có sự vận dụng kỹ thuật hiện đại nhằm làm thay đổi không gian, thời gian như màn hình LED, song cách dùng bục bệ thủ công, phông màn tự kéo vẫn cho thấy sự nghèo nàn trong sáng tạo về kỹ thuật sân khấu khiến cải lương chưa thoát khỏi lạc hậu. Quan trọng hơn, tiêu chí của liên hoan sân khấu chưa mạnh dạn loại bỏ yếu tố tìm kiếm HCV, HCB để xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT của cá nhân nghệ sĩ tham gia. Chính điều này đã làm hạn chế tính chất giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong biểu diễn đúng với tinh thần đến với nghề, vì nghề của các kỳ liên hoan.
Dẫu sao, những ngày hội sắp khép lại của giới làm nghệ thuật cải lương đang mở ra một xu thế mới, đó là hướng vở diễn đến với công chúng khi mà các vở diễn của các đơn vị xã hội hóa do chính nghệ sĩ bỏ tiền túi đầu tư, như: Cơn hồng thủy, Tiếng chim rừng, Ký ức mùa xuân… đã lên kế hoạch biểu diễn có doanh thu, bởi khán giả mua vé khác với khán giả xem miễn phí.
Có điều kiện học hỏi lẫn nhau
TP Biên Hòa đã làm tốt công tác tuyên truyền nên công chúng vốn mê cải lương của tỉnh Đồng Nai đã đến liên hoan rất đông và cổ vũ nồng nhiệt. Các suất diễn đông kín người xem và còn hứa hẹn nhân rộng hiệu quả phục vụ số đông công chúng khi Đài PTTH Đồng Nai đã ghi hình toàn bộ các vở diễn để phát sóng. Cục Nghệ thuật Biểu diễn Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã kết hợp với Nhà hát TPHCM để đưa các vở đoạt giải thưởng diễn phục vụ khán giả 3 suất vào các ngày 5, 6 và 7-11.
Tính chất liên hoan năm nay còn được thể hiện rõ nét khi các đoàn được UBND tỉnh Đồng Nai bố trí chỗ ăn ở để theo dõi hầu học hỏi kinh nghiệm, giao lưu với các đoàn bạn. Điều này lâu nay chưa từng có ở các hội diễn, liên hoan. Đáng tiếc là trong 2 tuần diễn ra liên hoan chưa có một cuộc hội thảo, tọa đàm nào nhằm đúc kết kinh nghiệm được và chưa được trong dàn dựng, biểu diễn. |
Bình luận (0)