"Cơ sở hạ tầng viễn thông ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 và một số xã lân cận chưa đầu tư đồng bộ nên chúng tôi lo ngại là khi 5 trạm quan trắc động đất đi vào hoạt động, cần đường truyền internet tốc độ cao thì khu vực này chưa thể đáp ứng" - TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, lo lắng.
Theo TS Anh, khi 5 trạm quan trắc đi vào hoạt động, viện sẽ thu thập đầy đủ thông tin, dữ liệu để nghiên cứu tìm ra quy luật động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Khi nắm được quy luật thì các chuyên gia mới có thể dự đoán trong tương lai gần, trận động đất cực đại xảy ra bao nhiêu độ richter, độ sâu chấn tiêu, tâm chấn như thế nào mới có thể cảnh báo trước cho người dân chủ động ứng phó.
Hiện tại, Cục Giám định Nhà nước các công trình xây dựng - Bộ Xây dựng và Viện Vật lý địa cầu cũng đã cử 3 cán bộ túc trực thường xuyên để giám sát tình hình an toàn đập và phát hiện kịp thời nếu có sự cố xảy ra.
Trong một diễn biến liên quan, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản yêu cầu Chính phủ chỉ đạo chưa tích nước hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thận trọng, toàn diện tác động của lũ, động đất đến công trình; tổ chức ứng phó động đất, diễn tập sơ tán có tính đến tình huống vỡ đập nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân.
Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nhà dân do động đất, khẩn trương giải quyết những vấn đề tồn tại trong việc di dân tái định cư vùng lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2.
Bình luận (0)