Các loại bình tì bà được vớt lên từ con tàu đắm ở Cù Lao Chàm
Nhìn từ bảo tàng
Những ngày này, các nhân viên Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch Hội An thật bận rộn vì phải chuẩn bị vật dụng để di dời cổ vật trưng bày lên tầng cao trước mùa mưa lụt.
Xây dựng từ năm 1995, bảo tàng đang lưu giữ trên 430 hiện vật gốm sứ có niên đại từ thế kỷ VIII - XVIII. Hầu hết các hiện vật là gốm sứ mậu dịch có nguồn gốc từ Trung Cận Đông, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam…, minh chứng vai trò quan trọng của thương cảng Hội An trong mạng lưới mậu dịch gốm sứ trên biển vào các thế kỷ trước, trong đó có một tủ trưng bày cổ vật khai quật được từ con tàu đắm ở Cù Lao Chàm.
Ông Nguyễn Đức Minh, nguyên phó giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, cho biết đợt khai quật kết thúc vào năm 1999, cũng là lúc quần thể kiến trúc Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. “Trong niềm vui ngập tràn, bảo tàng có thêm các hiện vật mới vừa khai quật để trưng bày, dù ít nhưng vô cùng giá trị” - ông Minh hồ hởi.
Ngoài hơn 240.000 hiện vật còn nguyên lành, hàng vạn mảnh vỡ đều được vớt lên, đánh ký hiệu và lưu trữ tại kho Bảo tàng tỉnh Quảng Nam. Ông Trần Tấn Vịnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, cho biết nhiều bảo tàng trên cả nước đều đã có bộ sưu tập quý giá từ con tàu đắm, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam có 5.000 đồ gốm sứ Chu Đậu. Là địa phương tìm ra con tàu đắm, Hội An cũng được hỗ trợ cổ vật từ Bảo tàng tỉnh Quảng Nam để hình thành nên bảo tàng gốm sứ mậu dịch tại phố cổ, phục vụ khách tham quan du lịch.
Bổ sung mỹ thuật dân gian
“Thật thú vị với công việc này bởi giá trị khoa học của nó. Đây là bằng chứng vô cùng sinh động để nghiên cứu về giao thương quốc tế trên biển Việt Nam trong lịch sử và lịch sử đồ gốm men Việt Nam thế kỷ XV. Theo các chuyên gia, nhiều điều chưa biết về nền mỹ thuật thời Lê Sơ cũng đã được bổ sung, đặc biệt là mỹ thuật dân gian” - ông Nguyễn Đức Minh khẳng định.
Trở về từ cuộc khai quật, ông Minh hoàn thành bản tường trình “Một số vấn đề xung quanh việc khai quật khảo cổ học dưới nước tàu đắm cổ Cù Lao Chàm (1997-1999)”. Theo ông, lúc bấy giờ, cuộc khai quật dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc của Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Cục Bảo tồn - Bảo tàng với các phương pháp hiện đại của thế giới nên kết quả thật khả quan.
Ông Nguyễn Đức Minh cho biết theo hiệu chỉnh dendro - hiệu chỉnh vòng xoay - niên đại con tàu được giám định nằm trong khoảng cuối thế kỷ XIV đến cuối thế kỷ XV. Trên tàu còn có một số hạt gấc, nhãn và dẻ. Các chuyên gia cho rằng sau khi bốc hàng tại thương cảng Vân Đồn, con tàu có thể đã khởi hành vào mùa thu với khoảng 400.000 đồ gốm. Thời tiết khắc nghiệt tại vùng biển Cù Lao Chàm cùng trọng tải quá cao là nguyên nhân đắm tàu.
Nhiều cổ vật được trưng bày Rất nhiều hiện vật từ con tàu đắm ở Cù Lao Chàm được trưng bày, giới thiệu với công chúng trong và ngoài nước. Đặc biệt, nhiều cổ vật độc bản còn được các bảo tàng tầm cỡ trên thế giới mượn trưng bày. Năm 2010, hai bảo tàng lớn của Mỹ đã mượn để trưng bày theo chủ đề “Nghệ thuật cổ Việt Nam: Từ đồng bằng ra biển lớn”. Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, nhận định: “Rất nhiều cổ vật từ con tàu đắm ở Cù Lao Chàm đã được Công ty Butterfield bán đấu giá tại Mỹ cho thấy giá trị của nó. Hơn nữa, việc khai quật, khảo cổ dưới nước được tiến hành bài bản đã không chỉ bảo quản thật tốt hiện vật mà còn đáp ứng mọi yêu cầu của ngành khảo cổ dưới nước”. |
Bình luận (0)