Hầu hết các đầu sách phát hành trên thị trường đều do các công ty sách tư nhân thực hiện từ đầu đến cuối
Chỉ thiếu mỗi tờ giấy phép
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Sách Phương Đông, nói đa số sách trên thị trường là của các công ty tư nhân sản xuất thông qua hình thức liên kết với các NXB. Tuy nhiên, họ lại không được chính danh đứng tên cho sản phẩm của mình và khi có sự cố xảy ra như dừng phát hành thì các công ty này hoàn toàn phải chịu thiệt hại chứ không được NXB chia sẻ, trong khi NXB vẫn đứng tên trên cuốn sách.
Phần lớn các NXB hiện nay sống được nhờ tiền bán giấy phép dưới danh nghĩa liên kết xuất bản. Nhiều công ty sách tư nhân cho biết mỗi năm số tiền chi cho việc mua giấy phép xuất bản ở các NXB là không nhỏ.
Bà Nguyễn Thanh Hà cho rằng các công ty sách tư nhân hiện nay chỉ phụ thuộc vào tờ giấy phép để xuất bản các xuất bản phẩm, còn các công việc khác của quy trình xuất bản họ đã tự làm hết, chính vì vậy không lý do gì không cho tư nhân thành lập NXB. Thậm chí, bằng sự năng động và nhanh nhạy với thị trường, nhiều công ty đã tạo cho độc giả thói quen chọn sách theo thương hiệu của mình như Công ty First News, Nhã Nam, Alpha Books, Thái Hà, Đông A chứ không phải tên NXB.
Quyền gắn liền trách nhiệm
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty First News - Trí Việt, nói lâu nay nghe đến tư nhân là người ta nghĩ đến đầu nậu, nghĩ đến những người làm ăn gian dối, thực tế không phải thế. Rất nhiều người đã bỏ cả năm để làm một cuốn sách có giá trị tương xứng. Giám đốc một công ty sách lớn của Hà Nội cũng cho hay lâu nay, người ta thường mặc định những sai sót trong hoạt động xuất bản đều do các đối tác liên kết làm ẩu nhưng thực chất, rất nhiều sai sót xuất phát từ phía NXB. Nếu như NXB làm có trách nhiệm, đọc duyệt kỹ và có những quy định khắt khe như ký duyệt bản cuối cùng thì việc sai sót sẽ không nhiều như hiện nay. Vì thế không nên lo lắng nếu để tư nhân lập NXB thì sẽ không “quản” được.
Ông Nguyễn Văn Phước cho rằng việc cho ra đời các NXB tư nhân là hòa nhịp với xu hướng phát triển. Khi tư nhân mở NXB, trách nhiệm của họ sẽ được thể hiện rất cao, vì đó là thương hiệu và đồng tiền của họ. “Có khi chỉ sai một chút thôi, thương hiệu của họ sẽ bị phá hủy và không ai dại gì đánh đổi sự nghiệp của mình để gây ra sai phạm”- ông Phước phân tích. Tuy nhiên, theo ông Phước, việc giao quyền phải đi đôi với giao trách nhiệm, sai là phải xử phạt nghiêm minh, thậm chí là đóng cửa NXB nếu để xảy ra sai phạm nghiêm trọng.
Bà Nguyễn Thanh Hà so sánh Luật Điện ảnh mở đường cho các hãng phim tư nhân ra đời, chúng ta đã có ngay một thị trường điện ảnh năng động với nhiều bộ phim hay. Xuất bản cũng là một mảng của đời sống văn hóa, tại sao còn mãi chần chừ. “Hãy cứ mạnh dạn cho mở NXB tư nhân nhưng Nhà nước quản lý thật nghiêm bằng các quy định của pháp luật”, bà Hà nói. Cũng theo bà Hà, chỉnh đốn khâu hậu kiểm, nhất là tuân thủ các quy định về lưu chiểu, cũng là một cách giải quyết những lộn xộn trong hoạt động xuất bản thời gian qua.
Cơ bản là ở cơ chế quản lý Luật Sửa đổi bổ sung Luật Xuất bản đang được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII. Vấn đề NXB tư nhân đang được nhiều đại biểu quan tâm. Ông Lê Hữu Phước, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, cũng có chung quan điểm nên cho phép tư nhân tham gia thành lập NXB để phát huy thế mạnh của lực lượng tư nhân trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, cần quy định chặt chẽ các điều kiện thành lập NXB nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xuất bản, tránh tình trạng thành lập NXB để bán giấy phép. Bà Nguyễn Thu Anh, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, cho rằng vấn đề cơ bản trong hoạt động xuất bản là cơ chế quản lý, điều hành và trách nhiệm của NXB đối với xuất bản phẩm của mình, chứ không ở chỗ ai là người được thành lập tổ chức hoạt động xuất bản. Vì vậy, Luật Xuất bản (sửa đổi) nên mở rộng cho tư nhân tham gia lĩnh vực xuất bản. Thực tế hiện nay, các đơn vị liên kết xuất bản không chỉ chi phối vốn mà còn rất tích cực trong việc tìm kiếm bản thảo, mua bản quyền và tổ chức phát hành. |
Bình luận (0)