Sandy đổ bộ phía Nam thành phố Atlantic, cách khu Hạ Manhattan của New York hơn 190 km, vào khoảng 20 giờ ngày 29-10 (giờ địa phương). Tuy sức gió đã giảm so với dự báo, còn 128 km/giờ nhưng siêu bão thuộc loại mạnh nhất từng đổ bộ vào Mỹ vẫn thừa sức “dập” các thành phố thuộc các bang Bờ Đông xác xơ.
New York tê liệt
Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ cho biết các cột sóng trên dưới 4 m - phá kỷ lục sóng cao 3 m trong cơn bão Donna năm 1960 - ập vào nhấn chìm các tuyến đường hầm và hệ thống tàu điện ngầm của New York. Nước trút xối xả xuống công trường tại khu Ground Zero. Xe hơi bơi lóp ngóp trên đường. Hầu hết khu Hạ Manhattan vẫn bị cắt điện để giảm thiểu hư hại cho hạ tầng. Số điện thoại khẩn cấp 911 ở thành phố New York tiếp nhận đến 20.000 cuộc gọi/giờ. “Trong vòng 108 năm qua, ngành của chúng tôi chưa phải đối mặt với thử thách nào ghê gớm như vậy” - ông Joseph Lhota, Chủ tịch Cơ quan giao thông đô thị vùng (MTA), nói và ông cho biết thêm phải mất từ 14 giờ đến 4 ngày để tống toàn bộ nước ngập ra khỏi các đường hầm.
Tối 29-10 đã xảy ra một vụ nổ trạm điện của Công ty Điện lực Con Edison ở rìa Đông khu Hạ Manhattan khiến hàng trăm ngàn hộ gia đình và cơ sở kinh doanh bị mất điện. Rạng sáng 30-10, hơn 170 lính cứu hỏa tinh nhuệ của thành phố đã phải vất vả vật lộn để giải cứu hàng chục người mắc kẹt trong một đám cháy ở khu Queens. Gió mạnh kèm nước lụt cản đường xe chữa cháy, khiến các lính cứu hỏa phải bơi thuyền cao su hoặc lội bì bõm trong làn nước dâng đến ngực để tiếp cận hiện trường. Họ dùng thang chuyên dụng và đưa được 70 người đến các vùng đất cao. Đám cháy sau đó đã “ngốn” hơn 50 căn nhà.
Tranh cử hạ nhiệt
Ngoài New York, hàng loạt thành phố ở hành lang Đông Bắc của Mỹ, từ Washington, Baltimore đến Philadelphia, Boston, đều oằn mình trong bão. Hơn 1 triệu người phải sơ tán. Tổng cộng khoảng 7,4 triệu người rơi vào bóng tối do cúp điện diện rộng. Ít nhất đã có 20 người thiệt mạng tại các bang New Jersey, New York, Maryland, North Carolina, Tây Virginia, Pennsylvania và Connecticut. Gió mạnh do bão Sandy gây ra cũng làm một người chết ở Canada.
Ủy ban Điều tiết hạt nhân Mỹ phải điều thêm thanh sát viên đến 10 nhà máy hạt nhân từ bang Maryland đến New York do lo sợ một thảm họa tương tự Nhật Bản hồi năm ngoái. Nhà máy Điện hạt nhân Oyster Creek ở New Jersey đã tuyên bố báo động do lượng mưa lớn song vẫn chưa đe dọa về độ an toàn.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố khu vực thảm họa đối với New York và Long Island. Cơn bão dữ dội cũng làm giảm nhiệt cuộc đua căng thẳng vào Nhà Trắng khi chỉ còn 8 ngày nữa là đến cuộc bầu cử. Ông Obama hủy bỏ nhiều sự kiện tranh cử ở Florida, Ohio và Virginia để quay về Washington tập trung vào vai trò tổng chỉ huy nước Mỹ giữa bão dữ. “Điều tuyệt vời về nước Mỹ là khi chúng ta trải qua những giai đoạn khó khăn như thế này, chúng ta vẫn đoàn kết với nhau. Cuộc bầu cử sẽ diễn ra tuần tới, còn ngay lúc này, ưu tiên số một của chúng tôi là cứu người” - Tổng thống Obama nhấn mạnh.
Đối thủ của Đảng Cộng hòa Mitt Romney cũng hãm bớt đà chạy và hành động thận trọng để tránh bị cáo buộc chính trị hóa thảm kịch giữa lúc nhạy cảm này. “Hy vọng các bạn sẽ cùng tôi cầu nguyện và chúc lành cho hàng triệu người đang vật lộn với cơn bão” - ông Romney nói ở Iowa và kêu gọi mọi người quyên góp cho Hội Chữ thập đỏ.
Thiệt hại có thể lên đến 100 tỉ USD Nước ngập sâu ở Manhattan khiến người ta lo ngại phải mất nhiều ngày trung tâm tài chính hàng đầu thế giới này mới gượng dậy được. Trong khi Liên Hiệp Quốc hủy mọi cuộc họp thì phố Wall tiếp tục đóng cửa ngày 30-10. Ngày đóng cửa 29-10 là lần đầu tiên phố Wall ngừng giao dịch kể từ vụ khủng bố ngày 11-9-2011. Thiệt hại do bão Sandy gây ra được dự báo là “khủng khiếp” dù chưa thể có con số thống nhất. Siêu bão Sandy làm cho 10 bang phải ban bố tình trạng khẩn cấp - tức là có thể tổn hại đến kinh tế quốc gia. Reuters dẫn phân tích của Mark Zandi, chuyên gia kinh tế chính của trung tâm phân tích thuộc Moody, cho rằng GDP của khu vực giữa New York và Washington ước khoảng 2.500 tỉ USD, có nghĩa là một ngày ngưng trệ có thể khiến khu vực này mất 10 tỉ USD. Công ty chuyên về thảm họa Eqecat dự báo Sandy gây tổn thất từ 10 - 20 tỉ USD. Còn giáo sư Peter Morici, Đại học Maryland, đưa ra con số thiệt hại vào khoảng 35 - 45 tỉ USD, cao hơn nhiều so với 20 tỉ USD thiệt hại do bão Irene gây ra năm 2011. Đáng sợ nhất là con số do nhà khí tượng học Mike Smith ước tính và được tờ USA Today đăng tải: Tổng thiệt hại do bão Sandy, bao gồm cả tổn thất đối với nền kinh tế Mỹ, lên đến hơn 100 tỉ USD. |
Bình luận (0)