* Phóng viên: Trên nghị trường ngày 1-11, ông đã đề nghị sớm lấy phiếu thăm dò tín nhiệm một số bộ trưởng phụ trách lĩnh vực mà người dân đang bức xúc như ngân hàng, xăng dầu, thủy điện. Vì sao ông đưa ra đề nghị này?
- Ông Đỗ Văn Đương: Đơn giản vì đây là lĩnh vực mà người dân bức xúc, mà có bức xúc thì chứng tỏ công tác điều hành có vấn đề, ở đây chưa nói đến tiêu cực. Đảng và nhân dân ta không thiếu người tài, dù ở bất cứ vị trí nào thì cũng có người để thay thế. Việc lấy phiếu tín nhiệm trước hết là để “người trong cuộc” tự đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành. Nếu thấy mình không đủ tài, không còn đức thì xin nghỉ cũng là chuyện bình thường.
Đề nghị của tôi cũng xuất phát từ mong muốn của cử tri. Vả lại, Đảng và Nhà nước cũng đang quyết liệt củng cố bộ máy. Có người khác giỏi hơn thì người đương nhiệm cũng nên nhường chỗ cho họ cống hiến. Ai từ chức bây giờ sẽ được xem là anh hùng vì tự chiến thắng bản thân.
* Sự khẳng khái và thẳng thắn của ông có nhận được ủng hộ của nhiều ĐBQH khác?
- Tôi nghĩ nhiều ĐB có cùng quan điểm này nhưng chưa nói ra, còn mình thì sẵn sàng nói theo tiếng nói của cử tri.
* Vậy theo ông là cần lấy phiếu thăm dò tín nhiệm tại kỳ họp này?
- Kỳ này đang chờ nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Nếu được thông qua sớm thì có thể tiến hành tại kỳ họp tới vào tháng 5-2013. Theo tôi, khi có quy định, cần lấy phiếu thăm dò tín nhiệm ngay những người đứng đầu các bộ, ngành, lĩnh vực đang gây ra nhiều bức xúc.
* Ông nhận định như thế nào về mức độ đồng thuận ở QH khi lấy phiếu tín nhiệm?
- Tôi tin sẽ được QH đồng thuận cao. Nhà nước của dân thì phải biến nguyện vọng của dân thành chính sách, quyết định đúng đắn.
* Ông cũng đưa ra đề nghị mở cuộc vận động “Tiết chế lòng tham” và “vận động từ chức”, liệu có khả thi?
- Chắc chắn là có sự ủng hộ lớn từ QH và cả hệ thống chính trị, bộ máy công quyền. Tuy nhiên, những người trong cuộc chắc sẽ không hưởng ứng. Chẳng ai muốn từ bỏ chiếc ghế của mình. Có điều đây là văn hóa mà nhiều nước đã có, chẳng có gì là quá mới cả. Tôi nghĩ rằng “quan nhất thời, dân vạn đại”. Làm quan mà cuối đời nhiều tiền nhưng đầy tai tiếng thì có xứng đáng không?
Bình luận (0)