Từ nay đến cuối năm, nếu không có vấn đề gì thì Việt Nam có thể xuất khẩu 7,7 triệu tấn gạo, cao nhất từ trước đến nay và trở thành nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới. Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp “Sơ kết xuất khẩu gạo tháng 10, tình hình thị trường và kế hoạch xuất khẩu gạo tháng 11” do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức ngày 2-11 ở TPHCM.
Xếp trên Ấn Độ và Thái Lan
Lũy kế 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất được 6,484 triệu tấn gạo, trị giá 2,877 tỉ USD. Theo kế hoạch, 2 tháng cuối năm sẽ xuất tiếp khoảng 1,05 triệu tấn. Như vậy, dự kiến cả năm sẽ đạt 7,5 triệu tấn, thậm chí 7,7 triệu tấn nếu giá tốt và thuận lợi về thị trường.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt, các tỉnh đã xuống giống hoàn tất vụ thu đông với 730.000 ha, tăng 130.000 ha so với kế hoạch, hiện đã thu hoạch được 50% với sản lượng 3,7 triệu tấn lúa, tăng 500.000 tấn so với dự báo. Còn vụ mùa cũng đã xuống giống 200.000 ha, sản lượng có thể đạt 860.000 tấn lúa, trong đó có khoảng 100.000 tấn thu hoạch trong tháng 12 tới. Còn theo tính toán của Bộ NN-PTNT, lượng gạo hàng hóa cả năm từ 7,5 - 7,7 triệu tấn. Nếu tính cả lượng gạo tồn kho của các DN trong năm 2011 chuyển sang năm 2012 thì lượng gạo hàng hóa từ 8,6 - 8,8 triệu tấn. Do đó, việc xuất khẩu 7,7 triệu tấn gạo là có cơ sở.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho biết tính đến ngày 30-9, Việt Nam đã vươn lên vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu gạo. Tiếp theo là Ấn Độ, xuất được 5,8 triệu tấn; Thái Lan 5,3 triệu tấn... Đến cuối tháng 10, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được ngôi vị đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo.
Đang có lợi thế...
Theo ông Trương Thanh Phong, từ nay đến cuối năm cũng như cả quý I/2013, gạo Việt Nam sẽ phải cạnh tranh giá với gạo Ấn Độ, Pakistan, Myanmar. Đặc biệt, Thái Lan đang tồn kho rất lớn, họ phải thuê kho để trữ. Tuy nhiên, theo ông Phong, các nước sản xuất ngũ cốc lớn như Mỹ giảm 50% sản lượng, Úc giảm 30%, Ukraine giảm 50%... Do đó, các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam, sẽ có lợi thế...
Gạo “chảy” sang Trung Quốc Theo VFA, thời gian qua, có thời điểm gạo trong nước xuất tiểu ngạch sang Campuchia để chuyển sang Thái Lan với số lượng khá lớn, chỉ riêng tại cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) mỗi ngày có đến 5.000 tấn gạo được chuyển đi. Tuy nhiên, từ tháng 9 đến nay, lượng gạo xuất qua Campuchia đã giảm mạnh do thương nhân Thái Lan không còn “ăn” gạo mạnh như trước. Riêng hiện tượng xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc (TQ) vẫn đáng lo ngại. Được biết, trong 9 tháng đầu năm nay, lượng gạo xuất sang TQ lên đến 1,7 triệu tấn; nếu cộng cả xuất tiểu ngạch có thể lên trên 2 triệu tấn. Có thời điểm thương nhân TQ sang Việt Nam thuê xe, thuê người đưa xe thẳng vào các thôn ở phía Bắc để gom gạo chở sang TQ. Nhiều DN chế biến xuất khẩu gạo cho rằng việc gạo xuất bán nhiều sang Campuchia, TQ có lợi trước mắt là góp phần kéo giá lúa gạo trong nước tăng lên. Song bất lợi lớn là có thể gây thiếu hụt hàng cho các đơn hàng xuất khẩu đã ký, chưa kể phần lớn lượng gạo của Việt Nam chảy sang Thái Lan, TQ sẽ được thương nhân của những nước này đưa vào xuất khẩu để cạnh tranh trực tiếp với gạo của Việt Nam. T.Nốt - N.Hải |
Bình luận (0)