“Chính sách một con” được TQ áp dụng từ năm 1980 nhằm hạn chế tăng dân số tuy có mặt tích cực nhưng gây nhiều hậu quả tiêu cực cần sớm được khắc phục. THX viết: “TQ đã phải trả giá đắt về chính trị và xã hội cho “chính sách một con” với hậu quả xung đột xã hội, gây nhiều mâu thuẫn về mặt hành chính và tạo sự mất cân bằng về giới tính”.
Kiến nghị của Quỹ Nghiên cứu phát triển TQ được hãng AP ngợi khen là “một hành động dũng cảm” vì đòi sớm hủy bỏ “chính sách một con”, cụ thể là ngay trong năm nay cho phép một số tỉnh thực hiện “chính sách 2 con”, đến năm 2015 thực hiện “chính sách 2 con” trong cả nước và năm 2020 thì hủy bỏ hoàn toàn hạn chế sinh đẻ.
Theo AP, chưa rõ các nhà lãnh đạo TQ có sẵn sàng chấp nhận kiến nghị “đầy tính nhân đạo” của cơ quan tư vấn Quốc vụ viện TQ hay không. Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình cũng chưa có phản ứng gì. Một số chuyên viên điều tra dân số lo ngại nếu kiến nghị không được nhà nước chấp nhận thì hậu quả kinh tế - xã hội của “chính sách một con” ngày càng trầm trọng. Đó là tình trạng nạo phá thai bắt buộc hoặc chỉ muốn sinh con trai, bị trừng phạt, cách chức đuổi việc vì “phạm luật” sinh 2 con. Tình trạng lão hóa dân số đã ở mức báo động, nạn thiếu hụt lao động trẻ ở nhiều địa phương do hạn chế sinh đẻ gây nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế.
Giáo sư Thái Dũng, Trường Đại học Phục Đán, nói: Việc thay đổi “chính sách một con” là tất yếu nhưng phải tiến hành càng sớm càng tốt vì những hậu quả tai hại do chính sách này gây ra cho đất nước đã quá rõ ràng”.
Bình luận (0)