Thị trường xăng dầu đang được hình thành với việc đa dạng hóa đầu mối nhập khẩu và điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, không còn bao cấp để phải bù lỗ từ ngân sách. Tuy nhiên, những bất ổn của thị trường xăng dầu đang bộc lộ ngày càng rõ thông qua những vấn đề liên quan đến chất lượng và giá cả.
Pha chế, ăn bớt
Kết quả thanh tra chuyên đề trên diện rộng về tình hình kinh doanh xăng dầu và gas trong toàn quốc (tháng 6-7-8) của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy bức tranh khá toàn cảnh về những gian lận trong hoạt động kinh doanh lĩnh vực này trên cả nước. Thanh tra 5.278 cơ sở gas, xăng dầu thì có đến 678 cơ sở vi phạm và bị xử phạt hơn 5,3 tỉ đồng; 56 cơ sở bị tước giấy phép và 3 cơ sở bị đình chỉ hoạt động kinh doanh.
Đối với mặt hàng xăng dầu, đoàn thanh tra cho biết có đến 11,7% cơ sở kinh doanh vi phạm. Cơ quan chức năng đã phát hiện 13 cơ sở tại Bình Dương, Trà Vinh, Bạc Liêu, Đồng Nai, Bình Thuận và Phú Yên lắp thêm hoặc thay đổi các bộ điều khiển điện tử để “ móc túi” người tiêu dùng. Các cửa hàng này pha xăng có trị số octan thấp với xăng có trị số octan cao để bán theo giá của loại xăng có trị số octan cao (chiếm 92,1% trong tổng số mẫu vi phạm).
Đáng lưu ý, có đến 90/836 mẫu xăng dầu được kiểm tra không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang nghi vấn nguyên nhân gây cháy xe rất có thể là dầu diesel vì trong số 252 ô tô bị cháy thời gian qua, có đến hơn 70% là xe chạy bằng loại nhiên liệu này.
Nói về việc kiểm soát chất lượng xăng dầu trên thị trường hiện nay, ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, thừa nhận: “Chúng ta mới chỉ kiểm soát được chất lượng xăng dầu nhập khẩu chính ngạch, còn xăng dầu trôi nổi thì vẫn chưa kiểm soát được. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng xăng dầu trên thị trường hiện nay không còn bảo đảm và khó kiểm soát”.
Lúng túng quản lý giá
Một nghịch lý gây bức xúc trên thị trường xăng dầu là Việt Nam nhập khẩu đến hơn 70% để tiêu dùng nhưng giá bán lẻ trong nước không phản ánh đúng xu thế giá thế giới.
Từ cuối năm ngoái, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phối hợp đề xuất hướng sửa đổi Nghị định 84 về cơ chế điều hành giá xăng dầu và khắc phục những bất cập lớn. Hướng sửa đổi cơ chế là rút ngắn thời gian tính giá cơ sở từ 30 ngày xuống 10 ngày, đưa lợi nhuận định mức 300 đồng/lít ra ngoài giá cơ sở để minh bạch tình hình lãi/lỗ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối và khống chế mức lợi nhuận dành cho tổng đại lý, đại lý. Tuy nhiên, đến nay, 2 bộ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề để đi đến hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ ban hành.
Mới đây, 2 đầu mối nhập khẩu là Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ đã phải tái xuất hàng ngàn tấn xăng không đạt chuẩn vì chứa dung môi bị cấm lưu hành tại Việt Nam. |
Bình luận (0)