Hiện nay, chỉ cần truy cập trang Google, gõ các từ khóa như “danh sách khách hàng VIP, danh sách email, điện thoại khách hàng…” là sẽ có hàng ngàn kết quả liên quan đến việc mua bán thông tin cá nhân từ hàng loạt website.
Giao dịch hiện đại lẫn thô sơ
Thử truy cập website www.quangcao...com, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi trang này đang rao bán đến 25 triệu địa chỉ email, số điện thoại cùng thông tin cá nhân của hàng triệu doanh nghiệp Việt Nam với giá chỉ… 500.000 đồng. Đồng thời, người mua còn được tặng phần mềm tự động gửi email cùng lúc đến hàng triệu doanh nghiệp để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm.
Truy cập một website rao vặt khác, chúng tôi còn “choáng” hơn trước mẩu tin rao bán thông tin doanh nghiệp, cá nhân trên website này. Theo lời rao, với giá chỉ 2 triệu đồng, người mua sẽ có ngay số ĐTDĐ, email, thông tin cá nhân của 50.000 thuê bao di động, 10.000 doanh nhân tại TPHCM, hàng chục ngàn khách hàng VIP của các trung tâm thương mại, các dự án bất động sản, thậm chí còn có danh sách những người sở hữu xe hơi, hàng trăm người đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí.
Ở Việt Nam đang có hàng chục website chuyên mua bán thông tin cá nhân và hàng trăm trang mạng rao bán thông tin này, còn việc rao bán tương tự trên các diễn đàn thì không thể đếm xuể.
Không chỉ qua internet, thông tin cá nhân còn được giao dịch bằng việc chuyển phát nhanh đĩa DVD có chứa dữ liệu cho người mua sau khi nhận được tiền hoặc người mua nhận hàng và thanh toán tiền qua những người chạy xe ôm.
Dễ xảy ra rắc rối nguy hiểm
Chị D.T.T (ngụ huyện Bình Chánh - TPHCM) cho biết chị đã gặp nhiều phiền toái từ việc thông tin cá nhân của mình bị tiết lộ trên mạng. “Mỗi ngày, tôi nhận hàng chục email chào mời, quảng cáo dịch vụ nhà đất, bất động sản, ăn uống, vay tiền… Trên ĐTDĐ thì liên tục nhận được các cuộc gọi, tin nhắn mời mua sim ĐTDĐ, chung cư, đất đai... Thậm chí, có lần tôi bị chồng giận vì anh ấy nghĩ vợ mình thường lui tới khách sạn do lúc đó, trên ĐTDĐ của tôi có lời chào mời dịch vụ của một khách sạn” - chị T. bức xúc.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo an ninh mạng Athena (TPHCM), cho biết việc thông tin cá nhân bị mua bán tràn lan sẽ gây ra nhiều hiểm họa khôn lường. Người bị bán thông tin cá nhân không chỉ bị quấy rối bởi các lời chào mời, quảng cáo mà còn phải đối mặt với nhiều rắc rối nguy hiểm hơn. Khi có thông tin của một cá nhân, kẻ xấu có thể đe dọa, khủng bố tinh thần, thậm chí tống tiền người đó. Vì vậy, mỗi người nên thận trọng khi cung cấp thông tin cá nhân trên mạng.
Xử phạt quá ít
Theo Nghị định 19/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sẽ phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm gồm: không thông báo rõ ràng, công khai với người tiêu dùng về mục đích trước khi thực hiện hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng; chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ 3 khi chưa có sự đồng ý của người tiêu dùng. Theo điều 226 Bộ Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009, hành vi “Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó…” sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Như vậy, hiện đã có đầy đủ chế tài xử phạt đối với hành vi thu thập, mua bán thông tin cá nhân trái phép. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số vụ vi phạm mua bán thông tin cá nhân bị phát hiện, xử phạt rất ít. Vì vậy, hành vi phạm pháp này vẫn cứ ngang nhiên tồn tại. |
Bình luận (0)