Lý do là các quy định này trái với tinh thần của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính và cả Luật Ngân sách hiện hành.
Theo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính, tiền thu được từ xử phạt vi phạm phải được nộp vào kho bạc và trở thành một phần của công quỹ. Về phần mình, công quỹ được chi theo đúng các quy định của Luật Ngân sách. Không có quy định nào của luật và của pháp lệnh mở ra một con đường tắt để tiền phạt vi phạm luật giao thông trở thành nguồn tiền khen thưởng cho người có công trong lĩnh vực này.
Không phủ nhận công lao của các cán bộ, chiến sĩ tham gia xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông công cộng, góp phần gìn giữ trật tự xã hội, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Công lao ấy càng đáng trân trọng khi điều kiện công tác khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh ý thức tôn trọng luật pháp nói chung và ý thức tôn trọng luật giao thông nói riêng của không ít người dân còn rất kém. Người có công đáng được thưởng cả về vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, việc dùng chính tiền thu được từ quá trình xử phạt để thưởng cho người xử phạt đúng là không ổn.
Không chỉ trái với pháp luật hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính và quản lý ngân sách, cơ chế trích thưởng ấy cũng trái luôn với tinh thần của pháp luật hiện hành về thi đua khen thưởng, thậm chí trái cả với ý nghĩa cao đẹp của việc khen thưởng vật chất cho người có công đối với xã hội, cộng đồng.
Đã gọi là thưởng trong khu vực công, dù là thưởng theo vụ việc hay theo kết quả đánh giá một quá trình công tác thì tiền thưởng phải lấy từ quỹ khen thưởng của ngân sách công. Quỹ khen thưởng được lập trên cơ sở cân đối thu chi ngân sách. Tất nhiên, giữa quỹ này và những khoản tiền mà người được thưởng đem về cho ngân sách có mối liên hệ nhất định mang tính nhân quả. Nhưng về bản chất pháp lý (và cả bản chất đạo lý), tiền thưởng là phần thưởng vật chất mà Nhà nước, xã hội trích từ kho tài sản của quốc gia, của nhân dân để trao cho người có công nhằm khích lệ tinh thần của họ. Đó không phải và cũng không thể là đồng tiền, đồ vật còn mang danh nghĩa này khác, chẳng hạn như tiền xử phạt vi phạm pháp luật, đồ vật buôn lậu bị tịch thu...
Ở góc nhìn văn hóa, việc dùng tiền thu được từ xử lý vi phạm pháp luật để thưởng cho người trực tiếp tham gia xử phạt là cách thưởng quá giản đơn và thô thiển, dễ khiến người ta có thể liên tưởng đến kiểu phân phối chiến lợi phẩm theo luật lệ cổ xưa: sau trận chiến người ta kiểm lại, ai mang về nhiều của cải thì được chia nhiều, ai mang về ít thì được chia ít!
Bởi vậy, đề nghị nói trên của Ủy ban Pháp luật mang ý nghĩa tích cực về nhiều phương diện chứ không chỉ dừng lại ở việc bảo đảm sự thống nhất của hệ thống luật pháp. Trên hết, nó có tác dụng trả lại ý nghĩa cao đẹp vốn có cho việc khen thưởng người có công trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông công cộng.
Không loại trừ khả năng cơ chế trích thưởng ấy cũng đang được áp dụng ở các khu vực quản lý khác nên cần rà soát và nếu có thì chấn chỉnh.
Bình luận (0)