Phường Hòa Quý có hơn 700 ha đất nông nghiệp và hơn 90% người dân sống bằng nghề nông. Hiện nay, phần lớn đất nông nghiệp ở xã này đã nhường chỗ cho những dự án. Những tưởng khi dự án mọc lên, đời sống người nông dân sẽ thay đổi nhưng gần 4 năm nay, hàng trăm hộ dân ở đây đã phải lay lắt qua ngày bởi thu nhập chính gần như mất hoàn toàn.
Thu hồi nhưng chậm đền bù
Ông Nguyễn Đức, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Quý, cho biết hiện tại có gần 100 ha đất ruộng nằm trong diện thu hồi nhưng chưa nhận tiền đền bù. Dự án đường vành đai phía Nam thu hồi tổng cộng 50 ha đất nông nghiệp nhưng chỉ mới đền bù được một nửa. Một nửa còn lại mặc dù đã thu hồi nhưng người dân chưa nhận được tiền. Dự án thì đang dang dở làm cho hệ thống kênh mương bị san lấp, không có nước cho sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, các dự án đang thi công trên địa bàn cũng gây ảnh hưởng cho dân. Ông Đức cho biết khi thi công dự án đường Nguyễn Tri Phương nối dài thì trạm bơm nước cho hơn 12 ha ruộng cũng bị cắt nước. Hơn 150 hộ dân có ruộng ở khu vực này bỗng dưng mất trắng mùa lúa bởi không có nước tưới. Dự án tái định cư Khái Tây cũng thu hồi 10 ha đất nông nghiệp nhưng lại bỏ hoang.
Cả 3 dự án trên đều đang nằm bờ bởi thiếu kinh phí kéo theo hàng loạt hệ lụy cho nông dân do không còn điều kiện sản xuất mà không có tiền đền bù. Ông Đức cho biết phường đã nhiều lần đề nghị cấp trên để được hỗ trợ cho nông dân khi dự án được triển khai. Thế nhưng, con số hỗ trợ vẫn còn chưa thấm vào đâu. “Mất 8 vụ thì mới hỗ trợ được 1 hoặc 2 vụ. Mà tiền hỗ trợ chỉ là 3.000 đồng/m2 đất ruộng” - một người dân phường Hòa Quý cho biết.
Dân đánh cược với thời tiết
Người dân ở khối phố Mân Quang 2, nơi có dự án đường vành đai phía Nam, gần 2 năm nay sống lay lắt bởi không thể sản xuất. Dự án thu hồi đất từ tháng 10-2008. Gần 2 năm sau, khi dự án đã thi công, phần lớn hệ thống kênh mương bị san lấp, đất ruộng ở đây không thể sản xuất được. Ông Thái Đình Can, ngụ khối phố Mân Quang 2, cho biết gia đình ông có 6 sào ruộng. Bình thường, ông sản xuất 2 vụ, mỗi năm cũng thu được hơn 36 triệu đồng. “Từ ngày dự án bắt đầu thi công, ruộng đồng nứt nẻ, vụ hè thu vừa rồi dân tui đánh cược với thời tiết, liều mạng gieo sạ thì mất trắng” - ông Can nói.
Hàng trăm hộ dân ở khối phố này cũng cùng cảnh ngộ như ông Can. Vụ hè thu trong tháng 6 vừa qua, hàng trăm người dân khóc trên đồng ruộng bởi cây lúa không trổ bông mà khô cằn vì thiếu nước. Hàng chục hecta được gieo sạ nhưng mất trắng. Bà Trần Thị Thôi nói như mếu: “Tôi sống đơn thân, chỉ dựa vào 2 sào ruộng nhưng 2 năm nay mất mùa liên tục cũng do cái dự án, lớn tuổi rồi biết làm chi để sống đây?”.
Thất nghiệp, khó nghèo Phường Hòa Quý có hơn 15 dự án đã và đang thi công. Đất nông nghiệp trên địa bàn hầu hết đã thu hồi để nhường chỗ cho dự án. Ông Nguyễn Đức cho biết phần lớn số nông dân mất đất còn trẻ thì đi làm phụ hồ. Những người đã lớn tuổi thì lâm vào cảnh thất nghiệp bởi không còn cơ hội học nghề hoặc tìm việc thay thế. Lãnh đạo địa phương cũng đã hỗ trợ người dân để chuyển đổi phương pháp sinh kế tại nhà bằng nghề trồng nấm hoặc may gia công. Thế nhưng bước đầu, người dân cũng không thiết tha với nghề này nên dẫn đến thu nhập không nhiều. “Càng đô thị hóa thì số lao động thất nghiệp ngày càng tăng, đây là vấn đề hết sức nan giải. Không những thế, thất nghiệp còn nảy sinh nhiều tệ nạn” - ông Đức nói. |
Bình luận (0)