xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Asiad 18: Vui ít, lo nhiều

MẠNH DUY

Tranh luận quanh việc nên hay không tổ chức Á vận hội 2019 không còn cần thiết bởi Việt Nam đã “đâm lao thì phải theo lao”. Tuy nhiên, chuyện được - mất qua sự kiện này khiến nhiều người không khỏi âu lo

Sau SEA Games 22 - 2003 và Á vận hội trong nhà lần 3 - 2009, Á vận hội (Asiad) 18 - 2019 là sự kiện thể thao lớn nhất mà Việt Nam vinh dự làm chủ nhà. Tầm vóc và quy mô của sự kiện này cũng vượt xa 2 sự kiện trước đó.
 
Là sự kiện thể thao lớn nhất châu lục được tổ chức 5 năm một lần, Asiad có thể giúp chúng ta thay đổi cả bộ mặt đất nước trong cách nhìn của bạn bè khắp châu Á và tạo động lực cho nền thể thao phát triển. Tuy nhiên, để phục vụ cho sự kiện này, rất nhiều gánh nặng sẽ đổ dồn lên người dân, các nhà quản lý và nguồn ngân sách Nhà nước vốn đã eo hẹp.

Vì sao Việt Nam thắng dễ?

Cho đến trước giờ công bố thành phố đăng cai Asiad 18, Hà Nội chỉ còn phải cạnh tranh với Surabaya của Indonesia. Trước đó, Dubai của UAE đã rút lui, trước nữa thì Đài Loan - Trung Quốc cũng xin ngừng quá trình vận động đăng cai.
 
img
Thiếu thế mạnh ở các môn Olympic cơ bản, Việt Nam sẽ vận động đưa vào tranh tài những môn truyền thống như Vovinam để đạt mục tiêu huy chương 
Ảnh: QUANG LIÊM

Việc Hà Nội nhận được đa số phiếu của 44 thành viên thuộc Ủy ban Olympic châu Á (OCA) để dễ dàng vượt qua Surabaya không khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí kết quả này đã được dự báo. Việt Nam không có lợi thế so sánh với các đối thủ về tất cả các yếu tố như tiềm lực tài chính, cơ sở vật chất và hạ tầng. Tuy nhiên, các đối thủ không có sự ủng hộ cao từ Chính phủ cũng như sự quyết tâm của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC).

Theo ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch VOC, không phải nhiều nơi rút lui vì khó khăn kinh tế như dư luận đồn đoán. Ông Giang giải thích: “Đề án xin đăng cai Asiad 18 của các nước đều có mức kinh phí cao hơn Việt Nam rất nhiều. Tuy nhiên, UAE không được sự ủng hộ của chính phủ, trong khi Indonesia không được đánh giá cao về môi trường an ninh. Hai đại hội thể thao gần đây là SEA Games 2003 và Á vận hội trong nhà 2009, chúng ta tổ chức rất tốt, được bạn bè đánh giá cao; trong khi SEA Games 26 năm 2011 vừa rồi, Indonesia tổ chức chưa tốt”.

Ông Giang cho rằng Bộ VH-TT-DL và TP Hà Nội còn phải cam kết rất nhiều điều và vẫn sẽ nhận được sự giám sát của OCA từ nay đến thời điểm Asiad 18 diễn ra.

150 triệu USD: Chỉ là phần “cứng”

Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Ủy ban TDTT (nay là Tổng cục TDTT), đặt vấn đề: “Chúng ta chỉ đưa ra mức chi phí tổ chức là 150 triệu USD nhưng vẫn được các nước thành viên ủng hộ trở thành chủ nhà của Asiad 18, bởi tình hình suy thoái kinh tế hiện nay khiến các nước nhìn thấy việc tổ chức đại hội này là một gánh nặng. 150 triệu USD chỉ là chi phí “cứng”, còn rất nhiều thứ phải đầu tư nữa, nhất là hạ tầng cơ sở”. Theo ông Minh, tổng mức đầu tư của Việt Nam phải vào khoảng 500 triệu USD thì mới có thể tổ chức thành công một kỳ Á vận hội.

Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT, ông Vương Bích Thắng, thừa nhận: “150 triệu USD là chi phí tổ chức, nâng cấp cơ sở vật chất hiện có và xây mới một số hạng mục, công trình. Theo tôi, sự đầu tư tổng thể để phục vụ cho Á vận hội 2019 sẽ lớn hơn rất nhiều nhưng hiệu ứng của nó sẽ không chỉ phục vụ cho kỳ đại hội mà phục vụ lâu dài cho nhân dân, cho đất nước”.

Một số quan chức OCA dù ủng hộ Việt Nam đăng cai nhưng cũng đã cảnh báo việc chúng ta chưa lường hết những khó khăn khi bắt tay vào tổ chức đại hội. Riêng việc tính toán dự trù kinh phí xây dựng cơ bản cũng có thể có nhiều xê dịch do thời giá thay đổi, tình hình lạm phát trong 7 năm tới cũng có thể khiến Việt Nam phải chi ra gấp đôi con số dự kiến. Chủ nhà của Asiad  17 là TP Incheon - Hàn Quốc đang phải bỏ ra gần gấp đôi chi phí dự trù 1,62 tỉ USD để chuẩn bị cho sự kiện sẽ diễn ra vào năm 2014.

Nguy cơ mất mặt ngay trên sân nhà

Từng là nhà quản lý thể thao và nhiều lần làm trưởng đoàn thể thao Việt Nam ở các kỳ đại hội thể thao lớn, nhỏ nhưng ông Nguyễn Hồng Minh không hề vui khi Việt Nam trở thành chủ nhà của một kỳ Á vận hội. Ông nhìn nhận: “Khoảng 8 năm nữa hãy xin đăng cai thì tôi nghĩ chúng ta sẽ tổ chức tốt hơn bởi có nhiều thời gian chuẩn bị. Nếu tổ chức không tốt, không giành thành tích cao thì Việt Nam có nguy cơ mất mặt ngay tại sân nhà. Nếu điều đó xảy ra thì rất buồn”.

Theo ông Minh, việc xây dựng các công trình phục vụ Asiad 18 không phải là nỗi lo bởi chắc chắn Việt Nam sẽ phải chuẩn bị đủ, có tiềm lực thì mới được đăng cai. Tuy nhiên, việc đào tạo con người để điều hành, tham gia sân chơi này với vị thế chủ nhà lại chưa được quan tâm đúng mức.

Ngành thể thao chưa hề có sự chuẩn bị về lực lượng VĐV cho Á vận hội 2019 dù mục tiêu đặt ra là giành 10 - 15 HCV, xếp từ hạng 5 đến 10 bảng tổng sắp. Ông Vương Bích Thắng cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng đề án đào tạo VĐV, còn về năng lực điều hành đại hội lớn như Asiad thì chúng ta vẫn còn phải học. Sắp tới ở Asiad Incheon 2014, VOC và Tổng cục TDTT sẽ phải cử người đi tham quan, học hỏi về cách thức tổ chức, điều hành”.

Thiếu thế mạnh ở các môn Olympic cơ bản, Việt Nam sẽ vận động đưa vào tranh tài những môn truyền thống như Vovinam để đạt mục tiêu huy chương. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành thông báo: “Kế hoạch xây dựng lại các đội tuyển, đào tạo trẻ sẽ được rà soát toàn bộ. Có thể nói ngay từ bây giờ, chúng tôi sẽ hướng toàn bộ mục tiêu cho Asiad 18”.

Một lãnh đạo ngành thể thao tiết lộ tham vọng của thể thao Việt Nam không chỉ là nằm trong tốp 10. Ông Hoàng Vĩnh Giang từng nói: “Với vị thế chủ nhà mà không lọt vào tốp 5 thì đó là thất bại”. Thế nhưng, chật vật lắm ở Asiad 16 - 2010 tại Quảng Châu - Trung Quốc, thể thao Việt Nam mới giành được 1 HCV dù mục tiêu là đạt 6-10 HCV. Đó là dẫn chứng cho việc khi bước ra các sân chơi lớn, những tính toán của thể thao Việt Nam vẫn còn sai số lớn.

Công trình triệu đô đắp chiếu?

Một bài toán không dễ là phát huy giá trị những công trình phục vụ Asiad 18 sau khi Á vận hội này kết thúc. Rất nhiều môn thể thao như khúc côn cầu, đua ngựa, xe đạp lòng chảo, bóng chày… ngốn nhiều chục triệu USD để xây dựng trường đua, nhà thi đấu nhưng ở Việt Nam, hầu như không ai chơi các môn này. Thậm chí, Việt Nam còn chưa có các đội tuyển nêu trên. Nhiều khả năng chủ nhà Á vận hội 2019 cũng sẽ chỉ tổ chức chứ không tham gia các môn này.
Viễn cảnh các công trình nêu trên đắp chiếu sau Asiad 18 cũng đã được nhìn thấy trước. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành thể thao vẫn lạc quan, cho rằng “các công trình này sẽ phục vụ những lợi ích cộng đồng”. Ông Vương Bích Thắng khẳng định: “Các nhà thi đấu có thể chuyển đổi mục đích sử dụng, phát triển các môn thể thao có thế mạnh của chúng ta”.
 
P.Ngọc
Những bài học đắt giá

Ông Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, cho biết: “Để nắm bắt thời cơ quảng bá đất nước, phát triển du lịch dịch vụ là không dễ. Đây là một thách thức không chỉ với ngành thể thao mà còn cả ngành văn hóa, du lịch. Ba ngành này phải phối hợp tốt thì chúng ta mới để lại được ấn tượng tích cực trong mắt bạn bè quốc tế”.
 
img
Đăng cai Asiad 18 tốn kém và khó khăn hơn nhiều so với Á vận hội trong nhà 2009, giải đấu lớn nhất mà thể thao Việt Nam từng tổ chức   Ảnh: HẢI ANH

Với sự yếu kém về dịch vụ và cách làm du lịch còn chụp giựt hiện nay, nhiều ý kiến lo lắng nếu không cẩn thận, Việt Nam sẽ gây ấn tượng xấu trong mắt du khách. Theo ông Hải, đòi hỏi “thu hồi vốn” sau khi đầu tư tổ chức Asiad là không thể. Tuy nhiên, việc cải thiện năng lực tổ chức điều hành mọi mặt, nâng cao vị thế quốc gia là điều hoàn toàn có thể làm được. Ông Nguyễn Hồng Minh cũng nêu thực tế chưa có quốc gia nào kiếm tiền được từ Á vận hội mà đa phần đều lỗ nặng. Đây là việc Việt Nam cần lường trước và chuẩn bị cả những tác động xã hội sau sự kiện này.
Ông Nguyễn Hồng Minh nêu ra những bài học đắt giá khi đăng cai các đại hội thể thao lớn: “Mexico từng phải mất 30 năm để trả nợ sau khi tổ chức Olympic 1968. Olympic Moscow  1980 cũng tốn một khoản kinh phí khổng lồ. Hy Lạp cố sức tổ chức Olympic năm 2004 khiến quốc gia này gánh một khoản nợ rất lớn. Gần nhất, Trung Quốc lên kế hoạch tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008 khoảng 22 tỉ USD nhưng thực tế lại gấp đôi con số này”.
 
D.Nguyễn

 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo