Nguyễn Thị Huyền (quận Tân Bình - TPHCM )
Đây là hai hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác nhau.
Đối với hành vi không chấp hành án được hiểu như sau: Bản án hay quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án thì buộc phải thi hành, vì nó có liên quan đến quyền lợi của một người hay nhiều người khác trong cuộc, hoặc liên quan đến quyền lợi chung của xã hội. Việc không chấp hành án là xem thường pháp luật, bất chấp công lý.
Do vậy luật pháp cần phải chế tài để việc ra bản án và việc chấp hành bản án phải tuyệt đối nghiêm chỉnh. Theo điều 304 BLHS (tội không chấp hành án), “người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Về tội không thi hành án thì áp dụng cho khâu thi hành án, tức người có trách nhiệm đôn đốc, buộc thi hành bản án hay quyết định của tòa mà không thực hiện chức năng của mình thì bị xử phạt theo điều luật. Giai đoạn thi hành án hay quyết định của tòa là rất quan trọng, nếu không thì hiệu lực pháp luật của bản án hay quyết định của tòa sẽ không có tác dụng.
Theo điều 305 BLHS (tội không thi hành án), “người nào có thẩm quyền mà cố ý không ra quyết định thi hành án hoặc không thi hành quyết định thi hành bản án, quyết định của tòa án gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm”.
Bình luận (0)