Là người đăng đàn trả lời chất vấn cuối ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận được nhiều câu hỏi xoay quanh các vấn đề: Trách nhiệm quản lý Nhà nước về khám chữa bệnh qua việc quản lý phòng khám nước ngoài; quá tải tại bệnh viện công, vấn đề y đức; quá trình điều chỉnh viện phí, quản lý giá thuốc và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bộ Y tế “vừa đá bóng vừa thổi còi”
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận việc chênh lệch giá thuốc giữa các bệnh viện, giữa bệnh viện và thị trường, giữa các địa phương là do giá thuốc hiện bị đẩy lên lòng vòng, các hãng dược bắt tay với thầy thuốc kê đơn cao để hưởng hoa hồng... Theo bà Tiến, ngoài nguyên nhân lợi nhuận còn có kẽ hở của pháp luật bị lợi dụng. Để chống lại giá thuốc làm khổ người dân, người đứng đầu ngành y tế phân trần việc Bộ Y tế vừa quản lý về chuyên môn lại vừa quản lý giá là không phù hợp, giống như vừa đá bóng vừa thổi còi. Vì thế, Bộ Y tế đang làm đề án thí điểm về quản lý giá thuốc tối đa toàn chặng, đề nghị sửa đổi Luật Dược để chuyển cơ quan quản lý giá thuốc sang một bộ, ngành khác. Đồng thời, đề nghị thành lập Ủy ban Đấu giá quốc gia để chọn ra giá thấp nhất áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Giải trình về tăng giá dịch vụ ở các cơ sở y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết viện phí cần tăng theo hướng thu đúng, thu đủ để nâng chất lượng phục vụ, đồng thời bảo đảm đời sống cán bộ ngành y. Theo bộ trưởng, tăng giá dịch vụ không ảnh hưởng đến người nghèo mà ngược lại, có lợi cho người nghèo.
Không hài lòng, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) khẳng định: “Ngành y tế không quản lý được giá thuốc, giá viện phí”. Dẫn chứng giá dịch vụ y tế bát nháo, ĐB Cương cho biết cùng một dịch vụ có nơi thu 20.000 đồng, có nơi 50.000 đồng cũng chẳng ai kiểm tra, giám sát. Ngành y tế thì chỉ cần cấp phép là coi như xong nhiệm vụ!
Khó xác định chất lượng bác sĩ Trung Quốc
Tiếp tục “mổ xẻ” lỗ hổng của ngành y tế, ĐB Huỳnh Tấn Dương nêu: “Tình trạng thuốc đông y pha tẩm thuốc độc hại tràn ngập thị trường, các phòng khám Trung Quốc không được quản lý, Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục?”. Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận lực lượng hiện nay quá mỏng, có sở y tế chỉ có 5 thanh tra, xử phạt lại chưa mang tính chất răn đe, vì lợi nhuận quá cao nên các cơ sở bất chấp. Về bằng cấp của các lương y Trung Quốc rất khó xác định và xử lý, bà Tiến phân trần là do Bộ GD-ĐT Việt Nam và Trung Quốc có ký văn bản công nhận tương đương nhau. Về thuốc đông y, bà Tiến cho biết qua kiểm tra 125 loại thuốc y học cổ truyền cho thấy 60% không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo dược điển. Bộ trưởng thừa nhận mảng này hiện đang “hổng” về quản lý.
Hàng loạt câu hỏi về y đức và trình độ đội ngũ y - bác sĩ cũng được các ĐB gửi đến “tư lệnh” ngành y tế. ĐB Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) nêu: “Nhiều sai sót gần đây khiến người dân chưa yên tâm, như một nữ bệnh nhân ở Cần Thơ bị cắt nhầm 2 quả thận hay cháu bé ở Khánh Hòa bị cắt nhầm bàng quang... Hiện nhiều cơ sở giáo dục không thuộc chuyên ngành y dược nhưng vẫn đào tạo? Đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải giải đáp”.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương cho biết nhiều hàng hóa kém chất lượng như thịt gà, trái cây, mì ăn liền chứa chất gây ung thư... đó là trách nhiệm của Bộ Y tế nhưng không thấy Bộ Y tế lên tiếng để người dân yên tâm. “Trong khi ngành y tế có cả hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm” - ông Cương phê bình.
Ăn cơm từ thiện để... dành tiền đưa bác sĩ!
Dẫn sự nhức nhối của ngành y tế hiện nay, ĐB Nguyễn Sỹ Cương kể: Một trưởng khoa tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội tâm sự: “ĐB Quốc hội các anh có biết nhiều bệnh nhân nghèo hằng ngày ăn cơm từ thiện của nhà chùa để dành tiền đưa cho bác sĩ. Ngành y tế khẳng định nói không với phong bì nhưng hết đời bộ trưởng này đến bộ trưởng khác, vấn nạn trên không giảm?”. |
Bình luận (0)