Chương trình do hãng phim Vietcom phối hợp với HTV tổ chức. Tuy đây là lần đầu tiên HTV7 thực hiện hình thức này nhưng trước đây kênh truyền hình TodayTV cũng đã thực hiện nhiều chương trình trúng thưởng tương tự dành cho khán giả xem phim như: “Xem phim hot - trúng quà kool” với phần thưởng là điện thoại iPhone hoặc “Vui hè cực đỉnh - trúng quà cực đã” với phần thưởng là iPad, xe Vespa khi dự đoán gửi tin nhắn về tổng đài. Thời khán giả “mở hầu bao” nhắn tin không chỉ xuất hiện trên các chương trình truyền hình, gameshow giải trí mà hiện đang “lấn sân” qua cả lĩnh vực phim ảnh.
Nhiều khán giả sau nửa tháng bộ phim được phát sóng cho rằng nội dung phim khá hay và sát thực với đời sống công nhân cộng với hình thức nhắn tin dự đoán mới lạ và hấp dẫn nên họ rất háo hức tham gia. Tuy nhiên, khán giả cũng đặt ra câu hỏi: Có phải phim Việt đang “tự cứu” mình bằng những chiêu trò? Liệu đây có phải là một cuộc chơi vui, bổ ích, công bằng dành cho khán giả hay chỉ là cách “moi tiền” như các chương trình truyền hình khác?
Cảnh trong phim Thời gian để yêu phát sóng trên HTV7 có chương trình khán giả nhắn tin
dự đoán tình huống để nhận máy tính bảng iPad. (Ảnh do đoàn làm phim cung cấp)
Rõ ràng số tiền mà nhà sản xuất phim và nhà đài thu lại từ việc nhắn tin không nhỏ dù mỗi tin nhắn chỉ có 3.000 đồng. Bà Bảo Trâm, Giám đốc Vietcom Film, cho biết: “Bằng hình thức này, chúng tôi xem như một cách khuyến mãi, tạo thêm sự hấp dẫn mới lạ để khán giả quan tâm đến phim Việt hơn. Hơn nữa, có khán giả nhiều thì chúng tôi mới thu hút quảng cáo để tiếp tục làm được phim tốt hơn”.
Sự sống còn của một bộ phim truyền hình đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ rating (chỉ số người xem). Dựa vào rating, không chỉ nhà sản xuất, đài truyền hình và các doanh nghiệp đo lường thị hiếu và sự yêu thích của khán giả mà còn lôi kéo các nhãn hàng quảng cáo. Các chương trình truyền hình thực tế, gameshow hấp dẫn, mới lạ như Giọng hát Việt, Vietnam Idol, Vietnam’s next top model, Thử thách cùng bước nhảy... đang phủ sóng dày đặc vào giờ vàng trên các kênh truyền hình đã khiến phim Việt dần dần bị “lép vế”.
Đứng trước áp lực đó, các nhà làm phim và nhà đài buộc phải có nhiều chiến lược, cách làm riêng để kéo khán giả trở lại với “nghệ thuật thứ bảy”. Rating cao, phim nhiều quảng cáo, người làm phim có thu nhập và thu nhập cao. Tuy nhiên, thu hút khán giả bằng tin nhắn bình chọn chỉ là tạm thời vì tính rủi ro khá cao, có vì phản tác dụng vì khán giả tỏ ra nghi ngại.
Một khi nhà làm phim và nhà đài nhận thức rõ đã đến lúc cần có những cách làm hay để thu hút khán giả trở lại với phim Việt thì rất cần những động thái tích cực hơn. Chính các nhà làm phim phải vực dậy phim Việt bằng việc đầu tư, chăm chút cho kịch bản, diễn viên…chứ không phải đơn giản là chiêu trò.
Bình luận (0)