Rẽ sang nghề giáo khi vừa tốt nghiệp THPT dù đã đậu vào Trường ĐH Tài chính - Kế toán, thầy Phúc cho biết anh chọn dạy học vì từ nhỏ đã mơ ước theo công việc của mẹ. “Năm 1994, huyện Nhà Bè thiếu GV trầm trọng nên tuyển cả những người vừa tốt nghiệp THPT. Sau nhiều hôm trăn trở, tôi quyết định giấu gia đình làm hồ sơ ứng tuyển GV. Khi biết được, mẹ đã mỉm cười ủng hộ bởi nghề đã chọn tôi” - thầy Phúc nhớ lại.
Những ngày đầu tiên đứng trên bục giảng tại Trường Tiểu học Nhà Bè vô cùng khó khăn với một GV chưa tròn 18 tuổi. Thiếu kỹ năng sư phạm và bị một số phụ huynh phản ứng về thầy giáo “trẻ con” khiến anh cảm thấy áp lực đè nặng. “Nhiều phụ huynh lo ngại khi con họ là học trò của tôi, một GV không bằng cấp. Lo lắng lắm nhưng tôi vẫn quyết tâm bám trụ” - thầy Phúc tâm sự.
Để trau dồi chuyên môn, thầy Phúc quyết tâm học thêm. Hơn 10 năm miệt mài theo đuổi các lớp trung cấp, CĐ rồi ĐH, đến năm 2010, anh đã có trong tay tấm bằng ĐH. Suốt thời gian đó, dù vất vả, anh luôn chứng tỏ mình là một người thầy yêu nghề, nhiều năm liền là GV giỏi cấp trường, huyện và TP. Năm 2008, anh đạt giải Võ Trường Toản và mới đây đã tham dự Liên hoan GV tiểu học giỏi toàn quốc năm 2012.
Nghề giáo đã ăn sâu vào máu thịt nên nhiều lần đứng trước sự lựa chọn khó khăn, quyết định cuối cùng của thầy Phúc vẫn là đứng trên bục giảng. “Nhiều lúc tôi nản chí vì đồng lương GV của mình và lương công nhân của vợ ít ỏi, không đủ lo cho cuộc sống, nhất là khi có con nhỏ, cha mẹ già yếu và bệnh tật. Gánh nặng cuộc sống khiến tôi nhiều đêm thức trắng nhưng niềm vui nhận được từ việc dạy dỗ học trò giúp tôi vững tâm bước tiếp” - anh tâm sự.
Trong ký ức người thầy gần 20 năm đứng lớp, những kỷ niệm về lớp học đầu tiên luôn khắc sâu. Thầy Phúc nhớ rất rõ hơn nửa số học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Nhà Bè năm đó là con nhà nghèo. Nhiều em ham học nhưng do khó khăn nên cha mẹ đành cho nghỉ học. Thương trò, thầy Phúc tới nhà từng em vận động, thuyết phục, tỉ tê với phụ huynh. Anh chắt chiu từng đồng mua tập vở tặng học sinh... Nhờ vậy mà năm đó, học sinh lớp của thầy Phúc đều xếp loại khá, giỏi khiến những phụ huynh từng lo ngại chuyện bằng cấp của anh có một cái nhìn khác.
“Nhiều phụ huynh đã đến trường xin cho con họ được tiếp tục học lớp tôi. Các em đã khóc và năn nỉ cha mẹ như vậy. Tôi nghe mà sống mũi cay cay. Những tình cảm trong sáng đó là món quà lớn lao và ý nghĩa nhất trong cuộc đời dạy học. Tôi luôn tự nhủ phải dạy bằng tất cả tình thương và trách nhiệm, mình không phụ nghề thì nhất định nghề không phụ mình” - thầy Phúc bộc bạch.
Tận tâm, hết lòng Thầy Phúc còn rất tích cực trong công tác đoàn thể, nhiều năm liền là chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Nguyễn Bình. Bà Nguyễn Thị Gái, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục TPHCM - người luôn theo sát từng bước đi của thầy Phúc, đánh giá: “Phúc là người thầy tận tâm và hết lòng với học sinh. Thầy rất xứng đáng với danh hiệu Nhà giáo Ưu tú”. |
Bình luận (0)