Hạ viện Mỹ hôm 16-11 đã thông qua một dự luật gắn kết việc nâng cấp quan hệ thương mại giữa Moscow với cái gọi là “đạo luật Magnitsky” nhằm trừng phạt những quan chức Nga mà Washington cho là vi phạm nhân quyền.
Theo đài RIA Novosti, Điện Kremlin ngay lập tức đã chỉ trích động thái trên, đồng thời cảnh báo sẽ có sự đáp trả tương xứng. Ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của tổng thống Nga, tuyên bố: “Chúng tôi rất lấy làm tiếc về động thái này. Nó chứng tỏ rằng một số khía cạnh của quan hệ Nga - Mỹ chưa bao giờ là một phần của nỗ lực “tái khởi động” quan hệ này”. Ông Peskov cho biết các biện pháp trả đũa “đạo luật Magnitsky” chắc chắn sẽ được đưa ra dù không cho biết chi tiết.
Ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của tổng thống Nga, nói Moscow sẽ có các biện pháp trả đũa
“đạo luật Magnitsky” . Ảnh: RIA NOVOSTI
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga gọi nội dung “đạo luật Magnitsky” là “không thân thiện và khiêu khích”, đồng thời nêu rõ: “Các nghị sĩ đã phớt lờ những cảnh báo rằng bước đi này sẽ tác động tiêu cực đến bầu không khí chung của quan hệ Nga - Mỹ và sẽ dẫn đến sự đáp trả cứng rắn từ phía chúng tôi”.
Ngoài ra, Moscow cho rằng Washington cần quan tâm đến tình hình nhân quyền nước mình trước khi để ý chuyện người khác. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich nhận định: “Mỹ không có quyền thuyết giáo hoặc lên lớp nước khác giữa lúc tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng vẫn đang diễn ra tại nước này, như việc tra tấn hoặc giam giữ tù nhân vô thời hạn mà không đưa ra xét xử tại các nhà tù bí mật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ hoặc tại nhà tù Guantanamo…”.
Dự luật nói trên hủy bỏ đạo luật Jacksson-Vanik áp dụng từ năm 1974 với Liên Xô trước đây và Nga hiện nay, dẫn đến việc thiết lập quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn với nước này.
Dù vậy, động thái này lại được gắn kết với “đạo luật Magnitsky”, theo đó, yêu cầu Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố danh tính những quan chức Nga bị cáo buộc liên quan đến cái chết của luật sư chống tham nhũng Sergei Magnitsky trong nhà tù năm 2009. Ngoài ra, dự luật cũng yêu cầu Washington từ chối cấp thị thực nhập cảnh và phong tỏa tài sản những người nói trên, cũng như bất kỳ cá nhân nào bị xem là vi phạm nhân quyền ở Nga.
Hãng tin Reuters nhận định rằng với bước đi nói trên, Hạ viện Mỹ vừa muốn công kích các chính sách của Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa muốn bảo đảm các công ty Mỹ hưởng lợi đầy đủ từ việc Moscow gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới hôm 22-8.
Thượng viện Mỹ dự kiến sẽ thông qua phiên bản dự luật của riêng mình trước khi gửi nó đến ông Obama. Theo RIA Novosti, ông Obama sẽ ký ban hành luật này dù từng phản đối việc gắn kết “đạo luật Magnitsky” với việc bình thường hóa quan hệ thương mại Mỹ - Nga.
Bình luận (0)