xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đất về với nông dân

MINH SƠN - TÂN TIẾN - NGỌC DIỆU

Hàng ngàn hecta đất quy hoạch làm khu công nghiệp, sân golf nhưng bị bỏ hoang thời gian dài đã được lãnh đạo tỉnh Bình Phước, Long An, Tây Ninh thu hồi, trả lại cho nông dân sản xuất

Dẫn chúng tôi đi dọc sông Vàm Cỏ, ông Nguyễn Văn Thuận cho biết 10 năm trước, trên 400 ha đất thuộc xã Long Sơn, huyện Cần Đước - Long An, người dân đang sản xuất 2 vụ lúa/năm bỗng nhiên bị Nhà nước quy hoạch, giao cho nhà đầu tư làm KCN. “Từ đó đến nay, vùng đất này bị hoang hóa, cỏ mọc đầy. Thanh niên địa phương hầu hết bỏ xứ để đi làm thuê. Một số người lớn tuổi vì tiếc đất bỏ hoang nên lén lút trồng lúa chờ bồi thường. Cực không gì bằng!” - ông Thuận nói.

Quy hoạch rồi… bỏ hoang

Bà Trần Thanh Thủy, người có hơn 3.000 m2  đất trong khu vực này cũng cùng cảnh ngộ: “Lúc nghe Nhà nước lấy đất làm KCN, dù nhà cửa xập xệ nhưng người dân không dám sửa vì đâu biết lúc nào họ giải tỏa. Cả 3 người con của tôi phải rời bỏ mảnh ruộng đi làm thuê ở TPHCM, người lớn tuổi thì ở lại lén trồng lúa để sinh sống qua ngày. Nhà có đất mà không sản xuất được thật khổ hết biết!”.

Từ những năm 1998-2000, UBND tỉnh Bình Phước quy hoạch 486,42 ha đất tọa lạc tại xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành để giao cho nhà đầu tư làm KCN Bình Phước-Đài Loan. Sau khi có quy hoạch, chính quyền không cho xây dựng, người dân muốn có nhà ở chỉ còn cách… xây đại. Muốn tách hộ khẩu, chia đất cho con cái hoặc sang nhượng cũng không thể được. Ông Nguyễn Thanh Hồng, Phó trưởng Ban Thanh tra thuộc UBND xã Thành Tâm, cho biết chỉ riêng ấp 2 của xã có hơn 100 hộ bị vướng vào quy hoạch KCN này. Người dân không dám trồng các loại cây công nghiệp dài hạn như: cao su, tiêu, điều…
 
img
Sau khi tỉnh Long An xó quy hoạch, trả đất lại cho nông dân, bà Nguyễn Thị Chua dọn cỏ trên mảnh đất của mình để kịp gieo sạ. Ảnh: Minh Sơn
 
Tỉnh Tây Ninh cũng có hàng ngàn hecta đất sản xuất của người dân bị thu hồi để quy hoạch làm KCN, cụm công nghiệp. Bà Trần Thị Hồng Nương (ngụ xã Bình Minh, thị xã Tây Ninh) cho biết gia đình bà có 1 ha đất sản xuất. Mười năm trước, gia đình bà chỉ trồng mì, trồng mía nhưng thấy nhiều người trồng cao su thu nhập cao nên vợ chồng bà làm theo. “Ai ngờ mới trồng 1 năm thì đất vô quy hoạch, rầu muốn chết. Cả gia đình 6 người, con cái đang tuổi ăn học chỉ sống dựa vào mẫu đất, quy hoạch rồi lấy gì mà ăn” - bà Nương nhớ lại.

Đất người dân ở xã Bình Minh, thị xã Tây Ninh bị thu hồi để làm cụm công nghiệp Bình Minh nhưng từ năm này sang năm khác chẳng thấy  nhà đầu tư rục rịch. Nhiều hộ dân bắt đầu kéo phân tro vào chăm sóc cây trồng. Những hộ trước đây không dám trồng vì sợ quy hoạch cũng bắt đầu mua cây trồng. Một lão nông phân trần: “Làm vậy thôi chớ bà con ai cũng thấp thỏm, sợ đổ tiền của xuống chăm sóc rồi Nhà nước lấy đất phải chặt bỏ. Nhưng nhà theo nghề nông, thấy đất trước mắt mà không được làm ai chịu được”.

Không chỉ cụm công nghiệp Bình Minh, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có gần 10 cụm công nghiệp, KCN khác cũng rơi vào tình trạng “thu hồi đất rồi để đó”, trong khi người dân lại không có đất sản xuất.

Có đất sản xuất, không gì vui bằng!

Cuối năm 2011, sau khi rà soát quy hoạch, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã mạnh tay thu hồi chủ trương đầu tư hơn 10 cụm công nghiệp, KCN để trả đất lại cho nông dân canh tác. Trên con đường dẫn vào cụm công nghiệp Bình Minh sáng 17-11, cứ vài ba phút là gặp một nông dân chở những bao tải chạy qua, hỏi ra thì biết đó là người xã dân Bình Minh chở mủ cao su đi bán ở điểm thu mua.
 
Chúng tôi ghé nhà bà Trần Thị Hồng Nương ngay lúc bà vừa chở mủ đi bán về. Bà Nương cho biết trong cụm công nghiệp Bình Minh bây giờ tất cả đều là cao su. Người nhiều nhất được 5-6 ha, người ít thì 0,5 ha - 1 ha. “Cuối năm 2011, cụm công nghiệp này được Nhà nước thông báo xóa quy hoạch, bà con mừng lắm, tăng gia sản xuất ngay” - bà Nương vui mừng.
 
Đến xã Long Chữ, huyện Bến Cầu, gặp chị Trần Thị Trang vừa đi thăm ruộng về. Khi nghe chúng tôi hỏi về cụm công nghiệp Long Chữ, chị cười tươi: “Ừa, Nhà nước đã xóa quy hoạch, trả đất cho người dân rồi”. Hơn 1.000 m2 đất của gia đình chị Trang trước kia được trồng lúa, mì. Sau đó thấy nhiều nhà trồng cao su, gia đình chị tính trồng một ít nhưng đúng lúc đó đất bị quy hoạch để làm cụm công nghiệp.
 
Chờ hoài năm này qua năm khác, vẫn không thấy ai tới đầu tư, xây dựng gì nên cách đây 5 năm, vợ chồng chị quyết định trồng lén 0,6 ha cao su. “Thấy người khác trồng thì mình cũng làm theo chứ trồng xuống cũng không dám bón phân, bón diêm gì. Tôi mới vô phân mùa này nữa là 3 mùa nên cây cao su không lớn như của người ta”. Đến nay, cao su của chị Trang đã cạo được 20 ngày.
 
Đầu năm nay, khi nghe Nhà nước bỏ quy hoạch, vợ chồng chị mừng quá, chắt bóp tiền bạc trồng thêm 1 ha. Đi cạnh những luống đất còn tơi xốp giữa những hàng cao su, chị Trang cho biết mới đầu tư gần 6 triệu đồng để bón phân, cày lấp đất. “Bây giờ không còn quy hoạch nữa, mình yên tâm đầu tư mà không phải phập phồng như trước” - chị  Trang cười tươi rói.
 
img
Chị Trần Thị Trang ở Tây Ninh đang chăm sóc cây cao su trên phần đất vừa được xóa quy hoạch. Ảnh: NGỌC DIỆU

Còn tại tỉnh Bình Phước, hàng trăm hộ dân xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành có đất nằm trong quy hoạch KCN Bình Phước - Đài Loan, khi biết Nhà nước dỡ bỏ quy hoạch, đã bắt đầu trồng cao su, xây và sửa sang lại nhà ở. Lão nông Bùi Văn Cắt (ngụ ấp 2, xã Thành Tâm) nói: “Vợ chồng tôi có 10 người con, trong đó có 5 người sinh sống trong khu bị quy hoạch. Khi nghe bỏ quy hoạch, các con tôi đang cùng người dân trong xã tăng gia sản xuất trên mảnh đất bị bỏ hoang lâu nay!”.

Về lại xã Long Sơn, huyện Cần Đước - Long An, trong những ngày này, trên khu đất trước đây được quy hoạch làm KCN Long Sơn là những chiếc xe cơ giới đang hối hả thi công hệ thống kênh để dẫn nước, rửa phèn cho người dân chuẩn bị sản xuất. Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, cho biết: “Cách nay vài ngày, sở đã cho thi công đào kênh để tạo điều kiện dẫn nước cho bà con vùng này sản xuất. Trước đây, 400 ha đất này tỉnh có quy hoạch nên không ai dám canh tác, trở thành vùng hoang hóa.
 
Nay tỉnh có chủ trương xóa quy hoạch nên dân rất vui!”. Gia đình bà Nguyễn Thị Chua có hơn 2.000 m2 đất nằm trong vùng bị quy hoạch của dự án KCN Long Sơn vui mừng: “Khi biết Nhà nước có chủ trương không thu hồi đất nữa, tôi tranh thủ sạ lúa ngay trên mảnh đất của mình. Đất rất tốt nhưng đâu dám sản xuất vì không biết bị thu hồi lúc nào. Mỗi năm, tôi sản xuất từ 2-3 vụ trúng lắm. Kỳ này, các con của tôi không còn lo đi làm thuê kiếm sống nữa rồi!”, bà Chua nói 

Năm nay ăn Tết lớn!

Tại xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa - Long An, nơi 280 ha đất dự kiến thu hồi để làm sân golf cũng đã được tỉnh hủy bỏ chủ trương, niềm vui của nông dân tăng gấp bội lần. Lão nông Nguyễn Văn Tám (ấp 2, xã Mỹ Phú) cho biết: “Khi Nhà nước nói không thu hồi đất nữa, chúng tôi mừng quá, làm tiệc ăn mừng, an tâm sản xuất, không còn cảnh lo sợ bị thu hồi đất”.

Ngày 8-11, tiếp xúc với phóng viên, hàng chục lão nông khác ở xã Mỹ Phú cũng vui mừng khi biết tỉnh đã xóa quy hoạch 280 ha đất trồng lúa để làm sân golf. Lão nông Trần Văn Nhanh phấn khởi: “Hiện hàng chục hộ dân đã bắt đầu xây nhà, trồng lúa. Năm nay, ấp 2 này sẽ có nhiều căn nhà mới để đón Tết”.

 Kỳ tới: Tiếp tục trả đất

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo