xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khóc ròng vì nợ

THANH NHÂN – HOÀNG DŨNG

Trong vòng xoáy nợ nần, nhiều doanh nghiệp vừa là chủ nợ đối với đơn vị này nhưng lại là con nợ của doanh nghiệp khác và đều là các khoản khó đòi

Chưa bao giờ tình trạng nợ nần dây dưa lẫn nhau giữa các doanh nghiệp (DN) lại diễn ra rầm rộ và phức tạp như hiện nay. Không ít DN đòi nợ mà phải năn nỉ như đi xin, thậm chí lôi nhau ra tòa nhưng chưa chắc đã lấy được tiền. Nhiều DN điêu đứng, phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động do không còn vốn xoay xở.

Thu nợ bằng cách… lấy lại hàng

Tìm hiểu của chúng tôi cho thấy số vụ kiện tụng đòi nợ giữa các DN đang tăng lên đột biến. Tòa án các quận ở TPHCM nhận được rất nhiều đơn kiện của ngân hàng đòi nợ DN, DN đòi nợ lẫn nhau. Một lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM cũng cho biết sở này nhận được khá nhiều yêu cầu của tòa án các cấp đề nghị kiểm tra hồ sơ đăng ký kinh doanh của DN. “Tuy nhiên, tòa không nói rõ kiểm tra vì mục đích gì nên sở không thống kê”- vị này cho hay.

Theo các văn phòng luật sư tại TPHCM, số vụ kiện đòi nợ đặc biệt gia tăng trong vài tháng trở lại đây. Nhiều nhất là kiện đòi nợ liên quan đến lĩnh vực mua bán chứng khoán, xây dựng, chiếm dụng vốn (mua hàng không trả tiền)… với số tiền trung bình vài tỉ đến vài chục tỉ đồng/vụ. Cá biệt, những vụ kiện đòi nợ 70 - 80 tỉ đồng thường rơi vào mua bán chứng khoán và khá phức tạp vì theo đà trượt dốc không phanh của lĩnh vực này, tiền tỉ đã “ra đi không hẹn ngày về”.
img
Minh họa: NGUYỄN TÀI

Luật sư Lê Thành Kính, Trưởng Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn (TPHCM), cho hay từ đầu năm đến nay, đã nhận khoảng 200 vụ tranh chấp kinh tế. Lý do dẫn đến nợ nần, kiện tụng thường là thanh toán không đúng tiến độ hợp đồng, bên mua không có khả năng thanh toán… “Đưa nhau ra tòa là việc chẳng đặng đừng nhưng vì nhiều sức ép, DN buộc phải nhờ đến sự can thiệp của pháp luật. Bản thân bên khởi kiện phải đóng án phí và trả tiền thuê luật sư nhưng chưa chắc thu hồi được nợ” – ông Lê Thành Kính nhận xét.

Mới đây, Công ty TNHH Nhà Thép T.V được tòa án một quận ở TPHCM tuyên cho tháo dỡ tất cả vật tư, khung nhà xưởng đã lắp ráp tại một dự án ở KCN Việt Nam – Singapore II, tỉnh Bình Dương để “thu hồi” số nợ gần 20 tỉ đồng. T.V là nhà thầu phụ thứ tư (chủ đầu tư thuê nhà thầu thứ nhất, nhà thầu thứ nhất thuê nhà thầu thứ hai, nhà thầu này thuê bên thứ ba là công ty Đ.H và công ty Đ.H thuê lại T.V). Vấn đề nằm ở chỗ công ty Đ.H đã nhận đầy đủ tiền từ nhà thầu phụ thứ hai nhưng không thanh toán cho Công ty T.V. Lẽ ra, Đ.H phải có trách nhiệm trả nợ cho T.V nhưng với kết luận này của tòa, công ty không những không lấy được tiền mà còn phải tốn chi phí, nhân công đến tháo dỡ vật tư, khung nhà xưởng… đem về. Chủ đầu tư trong trường hợp này cũng bị vạ lây vì đã trả đủ tiền mà vẫn bị tháo dỡ nhà xưởng.

Đòi nợ như đi xin

 Tại nhiều văn phòng luật trên địa bàn TP Đà Nẵng, gần đây, nhân viên khá bận rộn với việc tiếp nhận đơn khởi kiện đòi nợ giữa các DN. Tại Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp (đường Yên Bái, TP Đà Nẵng), lúc nào cũng có khách hàng đến gửi đơn khiếu kiện nhờ giải quyết đòi nợ. Luật sư Đỗ Pháp cho biết các DN đòi nợ phổ biến nhất là trong lĩnh vực xây dựng hoặc liên quan. Nguyên nhân dẫn đến việc kiện tụng đòi nợ là do thời gian thi công lâu, việc thanh, quyết toán cần nhiều thời gian nên các DN xây dựng thường hay thiếu vốn và chậm vốn, dẫn đến nợ nần.

Ông Nguyễn Minh T., giám đốc công ty TNHH Thành Đ., cho biết đơn vị ông cung ứng mặt hàng sơn cho một công ty xây dựng công trình trên địa bàn TP Đà Nẵng với số tiền hợp đồng 5 tỉ đồng. Mặc dù gói thầu đã xây dựng xong từ lâu nhưng công ty kia vẫn chưa chịu trả đủ tiền nên buộc lòng ông phải kiện ra tòa để đòi nợ. “Cực chẳng đã mới chọn giải pháp này, chứ thưa kiện phiền hà lắm” - ông Minh T. tâm sự. Còn ông Nguyễn Văn T., phó giám đốc công ty cổ phần LV, cũng cho biết đơn vị ông nhận thi công toàn bộ phần kết cấu, kiến trúc, hệ thống điện, cấp thoát nước, chống sét… cho một công trình viễn thông nằm trên địa bàn TP Đà Nẵng nhưng bàn giao đã lâu, chủ đầu tư vẫn còn nợ số tiền gần 1,5 tỉ đồng chưa chịu trả…

Ông Trần Thanh H., giám đốc một công ty xây dựng ở TPHCM, than: “Chúng tôi vừa là chủ nợ nhưng đồng thời cũng đang là con nợ của nhiều đơn vị khác”. Nguyên nhân, theo ông H., là do chủ đầu tư chậm thanh toán với các đơn vị thi công nên dẫn đến việc đơn vị thi công không có tiền trả nợ cho bên cung ứng vật tư. “Cứ như vậy, nợ lòng vòng lẫn nhau trong lĩnh vực xây dựng đang rất phổ biến mà không biết khi nào mới gỡ được”- ông Trần Thanh H. bộc bạch.
  Thắng kiện vẫn phải… chờ tiếp
 
Tình trạng tòa đã xử, bản án có hiệu lực thi hành nhưng con nợ không có khả năng trả tiền, không thi hành án cũng không phải là chuyện lạ. Chẳng hạn, công ty CP dầu thực vật B.A (Bình Dương) kiện đòi nợ Công ty TNHH C.M.T (TPHCM) hơn 1,1 tỉ đồng. Tuy nhiên sau đó, công ty C.M.T không thi hành án nên công ty B.A lại phải khiếu nại thì nhận được thông báo là C.M.T hoạt động không hiệu quả, không còn tài sản gì và số dư tài khoản cũng không còn đủ để thi hành án... Muốn lấy được tiền, công ty B.A phải cung cấp thêm thông tin về tài sản, tài khoản, thu nhập hợp pháp của con nợ để Chi cục Thi hành án dân sự tiến hành xác minh, xử lý. Nếu không cung cấp được thì phải chờ đến khi nào công ty C.M.T có tiền trả nợ sẽ tính tiếp. 
 
T.Nhân

 Kỳ tới: Tháo gỡ vòng luẩn quẩn

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo