Làm thế nào để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân sống trong vùng ảnh hưởng của thủy điện Sông Tranh 2 là một vấn đề cốt tử. Chính vì thế, rất nhiều biện pháp, hành động đã được triển khai, trong đó đáng kể nhất là quyết định tạm dừng tích nước và lắp đặt hàng loạt thiết bị quan trắc công trình, quan trắc động đất.
Sau chuyến đi kiểm tra tại công trình thủy điện gây nhiều hoang mang này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, mới đây cũng đã công bố bản kết luận, trong đó đưa ra hàng loạt biện pháp và công việc cần làm.
Thế nhưng, tất cả các biện pháp mà cơ quan hữu trách đưa ra đều thiếu yếu tố vô cùng cần kíp và quan trọng đối với người dân. Đó là phương án ứng phó của người dân trong các tình huống khác nhau.
Việc ngừng tích nước tạm thời hay vĩnh viễn, việc nghiên cứu và đánh giá toàn diện về an toàn đập, về động đất, đặc biệt là động đất kích thích... đều là những việc cần làm và hơn thế, phải làm một cách khẩn trương, chuẩn xác. Song đó là đối với các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước.
Còn đối với người dân, vấn đề thiết thực với họ là cách thức ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Tình huống ấy có thể là ứng phó thế nào nếu động đất tiếp tục xảy ra và mạnh hơn. Thậm chí cũng không thể loại trừ việc phải lên phương án, kịch bản ứng phó với tình huống xấu nhất, khẩn nguy có thể xảy ra.
Hơn 70 trận động đất đã xảy ra trong vòng 1 năm qua (từ ngày 23-11-2011 đến 15-11-2012), song vẫn chưa có một phương án ứng phó nào được đưa ra với người dân. Đơn giản nhất là việc dựng các biển báo hay cảnh báo tại những nơi có nguy cơ rất cao, cao hay thường xuyên xảy ra tai biến địa chất cũng chưa được tiến hành. Ngay việc khắc phục gần 1.000 ngôi nhà của dân cùng các công trình công cộng hư hỏng do động đất đến nay vẫn chưa được bố trí kinh phí cụ thể.
Lên tiếng tại Quốc hội, đại biểu Ngô Văn Minh của tỉnh Quảng Nam đã phải thốt lên: “Ở trong vùng luôn có động đất như vậy thì thần kinh thép cũng “chảy nước”, không tâm thần thì cũng điên loạn!”. Vậy mà đến nay vẫn chưa có phương án ứng phó cho người dân. Họ sẽ ứng phó thế nào với tai họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào hay chỉ còn biết ứng phó theo bản năng sinh tồn của chính mình?
Bình luận (0)