40 năm trước, cuộc chiến 12 ngày đêm rực lửa ở Hà Nội (từ ngày 18 đến 29-12-1972) với chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” của quân dân ta đã đánh bại tham vọng xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải trở lại bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris. 40 năm sau, những nhân chứng sống của trận chiến thần kỳ đó có dịp tề tựu với nhau trong buổi giao lưu “Hà Nội 12 ngày đêm, chuyện bây giờ mới kể” do Đài Truyền hình TPHCM và Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức sáng 22-11 để ôn lại một thời đạn bom oanh liệt, hào hùng.
Chủ động bước vào trận chiến

Anh hùng Phạm Tuân cho biết: Năm 1966, máy bay B52 của Mỹ ném bom đánh phá Quảng Bình, Vĩnh Linh ngày càng dữ dội, Bác Hồ đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho ông Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, phải tìm cách đánh cho được B52. Vào một tối mùa xuân năm 1968, khi gọi Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Phùng Thế Tài lên gặp, Bác đã đưa ra một lời tiên đoán tài tình: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Chú nên nhớ trước khi đến Bàn Môn Điếm ký hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định chịu thua nhưng chỉ sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Gần 5 năm sau, lời tiên đoán của Bác thành sự thật khi quân Mỹ ồ ạt mang B52 đánh phá Hà Nội. “Với tầm nhìn xa trông rộng của Bác Hồ, chúng ta đã bước vào cuộc chiến 12 ngày đêm một cách chủ động, đàng hoàng và giành thắng lợi vẻ vang” - Trung tướng Phạm Tuân khẳng định.
Bắt pháo đài bay B52 phải cúi đầu
Một nhân vật khác cũng từng làm cho B52 Mỹ khiếp sợ là ông Đinh Thế Văn, nguyên tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 tên lửa - người chỉ huy bắn rơi 4 máy bay B52. Quay về câu chuyện 40 năm về trước, ông Đinh Thế Văn cho biết B52 được Mỹ cho là một quyền lực bất khả chiến bại và có thể trong vòng 3 ngày đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá. Chúng tuyên bố đánh vào Hà Nội như... đi du lịch, không một thứ vũ khí nào của Việt Nam có thể bắn rơi B52.
Ghi nhớ lời dạy của các bậc tiền bối “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”, ông Văn cùng đồng đội đã dày công nghiên cứu và nắm được tất cả những đặc điểm, tính năng của B52. Chính sự chuẩn bị kỹ lưỡng đó và ý chí, quyết tâm, cách đánh linh hoạt, khéo léo, thông minh mà chúng ta đã biến điều không thể thành có thể: Bắt pháo đài bay B52 của Mỹ rơi lả tả trên bầu trời thủ đô.
Sau 12 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay của Mỹ, trong đó có 34 máy bay B52, 5 chiếc F-111 và 42 máy bay chiến thuật các loại. Trong số 34 máy bay B52 bị tiêu diệt, bộ đội tên lửa bắn rơi 29 chiếc; bộ đội không quân bắn rơi 2 chiếc; bộ đội pháo phòng không 100 mm bắn rơi 3 chiếc. Đặc biệt, trong đêm 26-12-1972, đêm thứ 9 của chiến dịch, quân dân ta đã xuất sắc hạ gục 8 chiếc B52.
Quốc tế khâm phục
Có mặt trong 12 ngày đêm ác liệt ấy còn có nhiều chuyên gia Liên Xô. 40 năm trôi qua, Đại tướng Khiupenen Anatoli Ivanovitr vẫn tràn đầy cảm xúc khi nói về cuộc chiến này: “Hà Nội đổ nát, bầu trời rực lửa. Tôi hết sức kinh ngạc trước cảnh tượng trên và cứ nghĩ Việt Nam không sao chống đỡ nổi”.
Lời kể của tù binh - phi công Trung tướng Phạm Tuân đã kể câu chuyện gặp lại viên phi công lái B52 tại nhà tù Hỏa Lò khiến ông nhớ mãi. Lúc đó ông hỏi viên phi công: “Ông suy nghĩ gì khi bay vào Hà Nội?”. Vị sĩ quan trả lời: “Vũ khí của không quân Bắc Việt chúng tôi biết hết, gồm có Mig, Sam và nhiều loại khác. Thậm chí chúng tôi còn diễn tập bằng các loại khí tài này và chúng tôi nghĩ rằng bay vào đánh Hà Nội như là bay luyện tập thôi, vào ném bom thì bay ra”. Trung tướng Phạm Tuân hỏi tiếp: “Vậy giờ ngồi ở đây, ông cảm thấy như thế nào?”. “Đó là vấn đề chúng tôi chưa nghĩ hết và nghĩ cũng không thông. Chúng tôi chưa hiểu hết con người Việt Nam nên giờ chúng tôi mới ngồi ở đây”. |
Kỳ tới: Mở đường thống nhất đất nước
Bình luận (0)