* Phóng viên: Thưa ông, luồng Soài Rạp đã được Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) triển khai nạo vét và đưa vào sử dụng từ năm 2007, nay vì sao lại phải tiếp tục nạo vét?
- Ông
Lê Hoàng Minh, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư dự án nạo vét luồng Soài Rạp: Theo quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (nhóm 5) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tại Quyết định số 1745/QĐ-BGTVT ngày 3-8-2011 của Bộ GTVT thì luồng Soài Rạp cần cải tạo, nâng cấp đáp ứng cho tàu trọng tải 30.000 tấn đầy tải và 50.000 tấn giảm tải lưu thông trên luồng. Trong giai đoạn tiếp theo, tiếp tục nghiên cứu nạo vét cho tàu trọng tải 50.000 tấn đầy tải và trên 70.000 tấn giảm tải lưu thông.
Từ năm 1993, TP đã giao IPC nghiên cứu nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 1. IPC đã hoàn thành việc nạo vét và đưa vào sử dụng rất hiệu quả luồng vào năm 2007 với chiều dài 59,24 km, rộng 200 m cho tàu có trọng tải 5.000 tấn đầy tải và tàu 15.000 tấn giảm tải lưu thông trên luồng.
Thêm một lý do tiên quyết khiến TP phải nhanh chóng nạo vét luồng Soài Rạp là hiện nay, tàu biển tải trọng lớn không thể đi thẳng từ biển Đông vào các cảng ở TPHCM, một phần do luồng sông Lòng Tàu không đủ rộng, không bảo đảm an toàn khi tàu chuyển hướng. Do đó, các tàu phải đi theo lộ trình mũi Vũng Tàu - vịnh Rành Rái - sông Ngã Bảy - sông Lòng Tàu - sông Nhà Bè - sông Sài Gòn với tổng chiều dài khoảng 85 km. Vì vậy, việc nạo vét luồng Soài Rạp để phục vụ nhu cầu vận tải đường sông, đường biển vô cùng cần thiết, rút ngắn được lộ trình di chuyển cho các tàu khoảng 20 km. Do đó, năm 2011, UBND TP đã giao cho Ban Quản lý đầu tư dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2) làm chủ đầu tư thực hiện dự án.
* Với mục tiêu đặt ra như trên, dự án sẽ thực hiện những gì trong lần nạo vét này?
- Trong giai đoạn 2, chúng tôi sẽ nạo vét nâng cấp mở rộng luồng tàu và hệ thống phao tiêu báo hiệu để đáp ứng cho tàu trọng tải đến 50.000 tấn đầy tải và đến 70.000 tấn giảm tải ra vào cảng dọc trên sông Soài Rạp.
Đợt 1 của dự án được thực hiện trong 14 tháng. Theo đó, chiều dài luồng được nạo vét là 54 km và đến độ sâu -9,5 m, đáp ứng cho tàu có trọng tải 30.000 tấn đầy tải và 50.000 tấn giảm tải ra vào cảng dọc trên sông Soài Rạp. Đợt 2, luồng Soài Rạp sẽ tiếp tục được nạo vét đến độ sâu - 11,5 m để đón tàu có tải trọng lên đến 50.000 tấn đầy tải và 70.000 tấn giảm tải. Dự án được thực hiện trên diện tích 1.308 ha mặt nước sông Soài Rạp ở TPHCM, Long An và Tiền Giang. Khối lượng bùn đất nạo vét đợt 1 hơn 11,5 triệu m3. Tổng vốn của dự án là 2.797 tỉ đồng, trong đó tiền tài trợ từ Vương quốc Bỉ khoảng 2.200 tỉ đồng, vốn đối ứng của TP là 624 tỉ đồng.
* Với kinh phí khá lớn, ông có chắc luồng Soài Rạp sẽ đem lại hiệu quả nhiều hơn so với chi phí đầu tư đã bỏ ra?
- Dự báo sản lượng hàng hóa thông qua luồng Soài Rạp đến năm 2025 khoảng 117 - 147 triệu tấn. Nguồn thu do luồng Soài Rạp đem lại trong 10 năm đầu (2015 - 2025) dao động từ 584.627 - 720.483 tỉ đồng. Trong khi đó, chi phí để nạo vét, bảo dưỡng luồng và trả nợ vay của chính phủ Bỉ trong 10 năm chỉ khoảng 4.810 tỉ đồng, chiếm chưa đến 1% tổng khoản thu. Việc đưa luồng Soài Rạp vào sử dụng tác động rất lớn đến khối lượng hàng xuất nhập khẩu qua cụm cảng TPHCM, đồng thời tăng thu ngân sách thuế xuất nhập khẩu rất lớn cho đất nước, chưa kể việc kéo cả vùng đô thị Hiệp Phước phát triển theo.
Sau khi đầu tư xong, việc duy tu bảo dưỡng luồng Soài Rạp có kinh phí dự kiến khoảng 250 - 300 tỉ đồng/năm. Theo tính toán, mỗi năm sẽ có khoảng 1,2 - 2,5 triệu m3 bùn, đất bồi lắng. Nếu không nạo vét thì sau 5 năm, luồng Soài Rạp sẽ trở lại như cũ và nếu việc duy tu được tiến hành không tốt cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả khai thác của luồng. |
Bình luận (0)